Thế giới

Báo cáo chấn động: Hàng trăm nhà thầu Trung Quốc 'cắm rễ' trong ngành quốc phòng Mỹ, 78% vũ khí có nguy cơ gián đoạn

Nhật Hạ 02/07/2025 - 18:32

Khoảng 9% nhà thầu chính trong các chương trình quốc phòng thuộc lĩnh vực trọng yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo công ty phân tích Govini.

Mặc dù Mỹ đang nỗ lực tách rời chuỗi cung ứng quốc phòng khỏi Trung Quốc, nhưng nền công nghiệp quốc phòng của nước này vẫn phụ thuộc đáng kể vào các nhà cung cấp Trung Quốc – một thực trạng làm dấy lên lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu nếu xung đột nổ ra. Đây là nội dung chính trong báo cáo thường niên “Bảng điểm An ninh Quốc gia” (National Security Scorecard) do công ty phân tích dữ liệu Govini công bố.

Theo Govini, trong năm 2024, các công ty Trung Quốc vẫn chiếm tới 9,3% số nhà thầu cấp một – tức các nhà cung cấp chính tham gia vào các chương trình quốc phòng lớn của Mỹ, trải dài trên 9 lĩnh vực trọng yếu.

“Hoa Kỳ không sẵn sàng cho một cuộc chiến mà chúng ta có thể buộc phải tham gia nếu Trung Quốc tuyên bố hôm nay là ngày đó’”, bà Tara Dougherty – CEO của Govini, công ty có trụ sở tại Washington chuyên cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng quốc phòng – cảnh báo.

pen.jpg
(Ảnh: SCMP)

Chuỗi cung ứng “cực kỳ mong manh”

Govini đã phân tích dữ liệu chi tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ trong 9 lĩnh vực thiết yếu: hàng không, hải quân, C4I (chỉ huy, điều khiển, liên lạc, máy tính và tình báo), hỗ trợ nhiệm vụ, hạt nhân, tên lửa và đạn dược, lực lượng mặt đất, phòng thủ tên lửa và không gian.

Kết luận đáng lo ngại là: chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ hiện “cực kỳ mong manh”, trong khi Trung Quốc – được xếp loại là quốc gia đối địch (adversarial nation) – lại là nơi tập trung số lượng nhà cung cấp cấp một nhiều nhất.

pen-2.jpg
(Ảnh: SCMP)

Lĩnh vực phụ thuộc lớn nhất vào các nhà cung cấp Trung Quốc là phòng thủ tên lửa, với tỷ lệ lên tới 11,1%. Ngược lại, lĩnh vực có mức phụ thuộc thấp nhất là hạt nhân, ở mức 7,8%, trong đó 45% nhà cung cấp đến từ Mỹ.

Tuy nhiên, trong số các nhà cung cấp nước ngoài cho lĩnh vực hạt nhân, Trung Quốc dẫn đầu với 534 đơn vị, vượt xa các đồng minh như Canada (405) và Anh (366). Đáng chú ý, số nhà cung cấp Trung Quốc trong lĩnh vực này đã tăng 45,5% so với năm trước.

Rủi ro từ khoáng sản chiến lược

Báo cáo còn nhấn mạnh nguy cơ từ sự phụ thuộc vào khoáng sản thiết yếu – vốn đóng vai trò sống còn trong hàng loạt hệ thống vũ khí, từ các nền tảng hàng không và hải quân cho đến lĩnh vực hạt nhân.

Trung Quốc hiện thống trị sản xuất toàn cầu nhiều loại khoáng sản quan trọng như antimon, gali, gecmani, vonfram và teluri. Một báo cáo khác của Govini công bố vào tháng 4/2024 cho biết: Mỹ sử dụng tới 80.000 linh kiện vũ khí có chứa một trong năm khoáng chất trên, và gần 78% hệ thống vũ khí của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu.

Việc Bắc Kinh mới đây cấm xuất khẩu một số loại khoáng sản chiến lược càng làm nổi bật mức độ dễ tổn thương của chuỗi cung ứng quân sự Mỹ – đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng công nghệ và thương mại giữa hai nước đang leo thang.

Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng bằng sáng chế

Báo cáo cũng so sánh số lượng bằng sáng chế được cấp trong các lĩnh vực quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây – kết quả cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ trong phần lớn lĩnh vực.

Dù báo cáo tập trung chỉ ra các điểm yếu trong chuỗi cung ứng quân sự Mỹ, bà Dougherty cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn các nhà cung cấp Trung Quốc có thể không khả thi, và có lẽ cũng không phải là mục tiêu đúng đắn.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là phải bóc tách từng nền tảng công nghệ để xác định đâu là thành phần then chốt và đâu là thứ có thể thay thế được”, bà nói.

“Không phải cái gì cũng cần phải loại bỏ Trung Quốc bằng mọi giá”.

Hệ sinh thái quốc phòng già cỗi

Ngoài Trung Quốc, báo cáo cũng đề cập các yếu tố rủi ro khác trong chuỗi cung ứng quốc phòng Mỹ, như:

  • Sự phụ thuộc quá mức vào một số nhà thầu chính,
  • Các nhà cung cấp quy mô nhỏ đang sử dụng công nghệ lạc hậu,
  • Lực lượng lao động đang già hóa,
  • Biên lợi nhuận thấp khiến đầu tư tái tạo hạn chế.

Theo bà Dougherty, gần một nửa số linh kiện thay thế có ít nhất một yếu tố rủi ro nghiêm trọng.

Theo SCMP

>> Lần đầu tiên trên thế giới: Quốc gia châu Á khoan sâu 5.500m dưới đáy biển để khai thác 16 triệu tấn đất hiếm, cạnh tranh trực diện với Trung Quốc

Tổng thống Putin cáo buộc NATO 'nói dối', tuyên bố Nga sẽ giảm chi tiêu quốc phòng

Từ chối chi 5% GDP cho quốc phòng, 1 quốc gia NATO bị ông Trump thêm vào 'danh sách đen'

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/bao-cao-chan-dong-hang-tram-nha-thau-trung-quoc-cam-re-trong-nganh-quoc-phong-my-78-vu-khi-co-nguy-co-gian-doan-145904.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Báo cáo chấn động: Hàng trăm nhà thầu Trung Quốc 'cắm rễ' trong ngành quốc phòng Mỹ, 78% vũ khí có nguy cơ gián đoạn
    POWERED BY ONECMS & INTECH