Siêu dự án 12.000 tỷ của Hóa chất Đức Giang (DGC): Thiên thời địa lợi nhưng nhân chưa hòa

16-12-2021 11:02|Trần Trung

Hiện vẫn còn hơn 12 ha đất cùng 130 hộ dân trong khu vực GPMB dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn vẫn chưa thống nhất các phương án đền bù.

Vướng giải phóng mặt bằng

Hơn 45 ha là phần mặt bằng đã hoàn tất san gạt trong tổng diện tích 80 ha của Dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC). Con số trên vừa được cập nhật tại cuộc họp Đại cổ đông bất thường năm 2021 diễn ra cuối tuần trước.

Gần 9 tháng kể từ cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 3/2021 và 18 tháng kể từ ngày nhận giấy phép đầu tư, câu chuyện giải phóng mặt bằng vẫn là “hòn đá tảng” chặn kế hoạch triển khai dự án này.

dgc-3.jpg
Nguồn ảnh: moitruongvadothi.vn

UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ban, ngành hoàn thành bàn giao mặt bằng 17,7 ha/30 ha. Tuy nhiên, với hơn 12 ha còn lại, 130 hộ dân vẫn chưa thống nhất về phương án đền bù đất. UBND tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện hồ sơ di dời và chịu trách nhiệm về công tác giải phóng mặt bằng. Việc thực hiện song song cả giải phóng mặt bằng và triển khai dự án cũng khó khả thi bởi còn liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hoá chất Đức Giang dù không trực tiếp tham gia ở khâu trên, nhưng không tránh khỏi ảnh hưởng. Giá thuê đối với diện tích đất thuê sau đã tăng thêm 78% so với mức giá thuê áp dụng cho 30 ha ban đầu. Cùng đó, thời gian cũng là tiền, bởi giá xút (NaOH - đầu ra chính ở giai đoạn I của Dự án) đã tăng giá lên 700 - 800 USD/tấn, từ mức phổ biến 300 - 400 USD/tấn trước đây.

Trước đó, hồi trung tuần quý III/2020, do lo ngại ảnh hưởng xấu đến môi trường quanh khu vực dự án, nên nhiều người dân thôn Lâm Quảng (Tân Trường, Nghi Sơn) đã quyết định gửi đơn kiến nghị tập thể tới cơ quan có thẩm quyền, đề nghị xem xét việc chấp thuận chủ trương dự án số 1, Tổ hợp hóa chất Đức Giang.

Trong đơn kiến nghị, người dân cho biết: “Dự án được chấp thuận chủ trương nhưng chưa công khai lấy ý kiến bàn bạc của người dân sinh sống xung quanh khu vực này, đặc biệt là vấn đề đảm bảo môi trường sống sau khi nhà máy đi vào hoạt động. Dự án nằm cạnh hồ chứa nước Khe Sâu - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân trong vùng và nước tưới sản xuất cho 3 ha đất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu nhà máy đi vào hoạt động.

Luận chứng đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng nhà máy hóa chất trên đầu nguồn nước sinh hoạt của nhân dân chưa được đánh giá, thông báo, lấy ý kiến người dân. Trữ lượng sản xuất của nhà máy và tác động tới môi trường ra sao, chưa được đánh giá đúng mức”, đơn kiến nghị của các hộ dân nêu rõ.

Để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe hơn 100 người dân, đề nghị cơ quan có thẩm quyền di dời vị trí dự án xây dựng nhà máy với 3 lý do: “Nhà máy đặt đầu nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Vị trí nhà máy gần khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn. Mặt bằng, vị trí đặt nhà máy cao hơn khu dân cư, tiềm ẩn rủi ro về môi trường”, đơn kiến nghị của người dân nêu rõ.

Thiên thời địa lợi...

Giải thích lý do cần thực hiện một đại dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cho biết, hoạt động kinh doanh ở nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm.

“Dự án tại Lào Cai còn 20 - 30 năm nữa là hết quặng. Đây là lý do cần làm dự án lớn. Công ty cần đi tìm chân trời mới”, ông Đào Hữu Huyền cho hay.

Theo phương án đầu tư điều chỉnh vừa được cổ đông chấp thuận, quy mô vốn đầu tư giai đoạn I đã tăng từ 2.400 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư toàn Dự án giữ nguyên (12.000 tỷ đồng). Sản lượng hàng năm là 150.000 tấn xút NaOH quy đặc 100%; 150.000 tấn nhựa PVC; 34.000 tấn bột tẩy trắng Ca (OCI); 1.000 tấn chất diệt khuẩn Chloramin B; 30.000 tấn chất xử lý nước PAC; 15.000 tấn axit HCI 31% và 10.000 tấn nước tẩy Javen 10%. Dự án dự kiến sử dụng 1.500 lao động.

Đối với sản phẩm xút, nhà máy sử dụng công nghệ điện phân muối ăn (thường phải lấy từ nguồn nhập khẩu) qua màng trao đổi ion. Với sản phẩm nhựa PVC, nguồn nguyên liệu đầu vào chính là đá vôi.

Về yếu tố đầu vào, vị trí của Dự án có nhiều lợi thế như gần Cảng nước sâu Nghi Sơn; mỏ đá vôi quanh khu vực này có trữ lượng lớn.

Về đầu ra, công ty đánh giá thị trường nội địa có nhu cầu lớn, bởi năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hóa chất Đức Giang đã nhắm đến nhiều khách hàng như Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Nam Định.

Các tính toán đều cho thấy tính hiệu quả của dự án, nhưng thuyết phục được “lòng dân” lại là một bài toán khác khó hơn, đã và đang trở thành yếu tố ảnh hưởng nhất tới tiến độ xây dựng nhà máy.

DGC có bao nhiêu tiền để làm dự án?

Giai đoạn 1 là 10.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch ban đầu, dự án chia làm 3 giai đoạn với mức vốn đầu tư lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 7.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, tổng công ty sẽ sử dụng 5.500 tỷ đồng vốn tự có, tương đương 55% tổng vốn đầu trong đó 3.000 tỷ đồng sẽ góp trong năm sau từ nguồn lợi nhuận để lại và 2.500 tỷ đồng còn lại sẽ góp tiếp trong năm 2023 - 2024 từ nguồn lợi nhuận để lại hoặc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Đến cuối tháng 9, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Hóa chất Đức Giang là hơn 1.813 tỷ đồng.

Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, dù đã dự kiến vay Vietcombank 4.500 tỷ đồng, Đức Giang có thể sẽ không sử dụng hết hạn mức. Công ty sẽ sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho dự án hoặc phát hành cho cổ đông.

"Chúng tôi không sống bằng đòn bẩy tài chính, tỷ lệ dư nợ cho vay luôn rất thấp và đảm bảo an toàn", Chủ tịch Đào Hữu Huyền chia sẻ.

Tình hình kinh doanh của DGC trong thời giam qua là tương đối tốt, nợ vay tiếp tục thu hẹp sau các quý; vốn chủ liên tục tăng đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh, ông Huyền chia sẻ sau hai tháng 10 và 11/2021, lợi nhuận sau thuế của DGC ước đạt 1.000 tỷ đồng. Cả năm, tập đoàn dự kiến sẽ đạt lợi nhuận sau thuế kỷ lục 2.400 tỷ đồng.

Trước đó, như dự kiến trong quý IV/2021, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu cao với doanh thu hợp nhất ước khoảng 3.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 600 tỷ đồng. Số lãi dự kiến trong quý IV này còn cao hơn rất nhiều so với lãi đạt được trong các quý vừa qua.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sieu-du-an-12000-ty-cua-hoa-chat-duc-giang-dgc-thien-thoi-dia-loi-nhung-nhan-chua-hoa-120811.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Siêu dự án 12.000 tỷ của Hóa chất Đức Giang (DGC): Thiên thời địa lợi nhưng nhân chưa hòa
POWERED BY ONECMS & INTECH