Siêu thành phố mới sau sáp nhập, đô thị đặc biệt thứ 3 của Việt Nam sẽ xây thêm một tuyến giao thông tốc độ cao liên kết
Việc xây dựng tuyến giao thông tốc độ cao kết nối hai trung tâm hành chính được xem là một trong những dự án hạ tầng chiến lược.
Ngày 23/4, UBND tỉnh Hải Dương đã chính thức ban hành kế hoạch triển khai các nội dung phối hợp giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nhằm cụ thể hóa các bước chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới. Đây là động thái cụ thể hóa kết luận quan trọng được thống nhất giữa 2 địa phương vào ngày 21/4, liên quan đến việc xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng.
Trong kế hoạch vừa ban hành, một trong những nội dung trọng tâm là việc phối hợp nghiên cứu, đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp và đô thị, nhằm tạo nền tảng phát triển cho khu vực sau hợp nhất. Hai địa phương thống nhất tiếp tục triển khai các công trình lớn, mang tính chất lan tỏa, có vai trò định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong vùng duyên hải Bắc Bộ.

Đáng chú ý, tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng đã thống nhất nghiên cứu xây dựng tuyến đường giao thông tốc độ cao kết nối trung tâm hành chính tỉnh Hải Dương hiện tại với Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng tại Thủy Nguyên.
>> Quốc gia châu Á xây nhà ga đường sắt chỉ trong 6 giờ đồng hồ bởi công nghệ hiện đại nhất thế giới
Tuyến đường này không chỉ có vai trò đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cán bộ, công chức sau hợp nhất mà còn là hạ tầng động lực, góp phần hình thành trục kết nối mới trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh và các sở ngành liên quan làm việc với các cơ quan chức năng của TP. Hải Phòng để thống nhất phương án triển khai.
Đồng thời, Đảng ủy UBND TP. Hải Phòng được giao nhiệm vụ phối hợp với Đảng ủy UBND tỉnh Hải Dương đề xuất phương án cụ thể, tích hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025. Phương án này sẽ được báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy hai địa phương để khẩn trương triển khai, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ với tiến độ chuẩn bị cho hợp nhất hành chính.
Song song với việc đầu tư hạ tầng kết nối, Hải Dương và Hải Phòng cũng phối hợp xây dựng phương án tổ chức hệ thống giao thông công cộng liên vùng, đặc biệt phục vụ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Hải Dương có thể di chuyển thuận tiện sang TP. Hải Phòng sau khi mô hình tổ chức hành chính mới được thiết lập. Giải pháp này nhằm đảm bảo không gián đoạn hoạt động công vụ, đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cá nhân, hướng tới phát triển hệ thống giao thông bền vững, hiện đại.
Việc hợp nhất Hải Dương và Hải Phòng không chỉ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, mà còn là cơ hội để hình thành một cực tăng trưởng mới tại vùng đồng bằng sông Hồng – nơi hội tụ cảng biển, đường cao tốc, khu công nghiệp, đô thị hiện đại và tiềm năng phát triển logistics, công nghệ cao trong tương lai gần.
Ngày 18/4/2025, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức buổi làm việc chính thức, thống nhất chủ trương hợp nhất hai địa phương thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là thành phố Hải Phòng.
Hải Phòng – Hải Dương hợp nhất sẽ tạo nên một đô thị đặc biệt không chỉ của miền Bắc mà còn vươn tầm quốc tế, nơi kết hợp giữa cảng biển quốc tế và mạng lưới khu công nghiệp công nghệ cao, giữa trung tâm logistics với vùng đất tiềm năng về công nghệ nông nghiệp, giữa đô thị hóa mạnh mẽ với quy hoạch phát triển bền vững.
>>Khẩn trương 'lên đời' tuyến đường 'huyết mạch' kết nối 2 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận