Smarthome - Thiết bị công nghệ vẫn còn xa lạ với người dùng Việt

28-04-2022 10:58|Vân Vân

Dù smarthome không phải khái niệm quá mới mẻ song tỷ lệ người Việt từng sử dụng hoặc đang sở hữu thiết bị thông minh phục vụ sinh hoạt gia đình vẫn còn rất khiêm tốn.

Sự phát triển của IoT (internet kết nối vạn vật), mạng internet băng thông rộng giúp thiết bị smarthome (nhà thông minh) ngày càng phổ biến.

Theo khảo sát tháng 1.2021 của PR Newswire, 70% người tiêu dùng toàn cầu đã nâng cấp nhà theo xu hướng thông minh do những tác động của dịch Covid-19 và hơn 51% trong số đó đã sử dụng thiết bị thông minh trong năm 2020.

Các thiết bị thông minh đa dạng từ camera Wi-Fi, đèn, loa thông minh, ổ cắm, cảm biến chuyển động... có thể giúp sắp xếp hợp lý không gian và cung cấp giải pháp cho các vấn đề phát sinh, chẳng hạn như nhu cầu khắc phục không gian làm việc hoặc học tập cụ thể.

Bất kể các thiết bị được mua thuộc mặt hàng nào, người tiêu dùng nhất trí cao (82%) rằng một ngôi nhà có thiết bị thông minh mang lại những lợi ích đáng kể.

Tại Việt Nam, smarthome cũng đang trong giai đoạn phát triển nóng. Tuy nhiên, có sự chênh lệch rõ rệt giữa tỷ lệ người từng tiếp cận với khái niệm này.

Theo báo cáo Smarthome Việt Nam 2022 của Công ty Lumi Việt Nam công bố mới đây, có tới 80,5% người tham gia khảo sát cho biết từng nghe tới khái niệm "smarthome" nhưng chỉ có 10,9% từng sử dụng trực tiếp các thiết bị liên quan.

Cụ thể, trong số 10.000 người tham gia khảo sát đang sinh sống tại 3 thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM), có tới 51% cho biết từng nghe tới smarthome nhưng chưa sử dụng bao giờ; 18,6% đã nghe qua nhưng chưa hiểu, 10,9% từng sử dụng và có tới 19,5% không hề biết tới khái niệm này.

Báo cáo của Lumi Việt Nam cũng tiết lộ về hình dung của nhóm người chưa biết đến.

Với họ, "nhà thông minh" sẽ gồm các trang thiết bị hiện đại (26,2%), thiết bị điều khiển từ xa (23,3%), kiểm soát ra vào bằng camera thông minh (19%), thiết bị điều khiển bằng giọng nói (17,3%) và kiểm soát trạng thái thiết bị điện trong nhà bằng smartphone (17,1%).

Đáng chú ý, "công tắc thông minh" lại là thiết bị được nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi nói về smarthome. Xếp sau lần lượt là khóa cửa, camera và cổng.

Người dùng có thể biết đến công nghệ này qua nhiều kênh thông tin trực tuyến và trực tiếp.

Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy người dùng có xu hướng chủ động tìm hiểu thông tin về smarthome trên internet và được người quen giới thiệu. Trong khi hoạt động quảng cáo lại chưa tiếp cận được nhiều người dùng bằng các kênh trên.

Bên cạnh đó, một số người dùng biết đến smarthome qua công việc (kinh doanh sản phẩm, dịch vụ liên quan), được tư vấn sử dụng giải pháp thông minh qua kiến trúc sư hoặc làm quen khi nhận công trình nhà ở đã lắp đặt sẵn).

Có tới 89,1% số người tham gia khảo sát chưa từng trực tiếp sử dụng smarthome. Lý do chủ yếu cản trở họ là do chưa đủ khả năng chi trả và không nhận được đủ thông tin khi tìm hiểu về mảng này.

Một số nguyên nhân chủ quan khác xuất phát từ bản thân người dùng bao gồm: e ngại thi công lắp đặt phức tạp, thiếu tin tưởng về chất lượng; độ ổn định của các giải pháp và thiết bị.

Bên cạnh đó là nguyên nhân khách quan từ phía sản phẩm: giới hạn về mẫu mã, kiểu dáng; chưa cho phép điều khiển đa phương thức (cử chỉ, giọng nói, smartphone); bất tiện xảy ra khi thiết bị không hoạt động do ngắt điện đột ngột.

Nhược điểm của các sản phẩm smarthome được người dùng liệt kê là độ tương thích chưa cao giữa các thiết bị và hệ thống kết nối; thao tác khó sử dụng (đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ); hoạt động chưa ổn định và khả năng bảo mật dữ liệu người dùng chưa chặt chẽ...

Người Việt Nam dùng muối i-ốt chỉ 27%, thấp hơn 3 lần khuyến cáo của WHO

Nhà mạng Mỹ triển khai công nghệ 5G ‘đặc biệt’ cho thiết bị IoT

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/smarthome-thiet-bi-cong-nghe-van-con-xa-la-voi-nguoi-dung-viet-125427.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Smarthome - Thiết bị công nghệ vẫn còn xa lạ với người dùng Việt
    POWERED BY ONECMS & INTECH