So găng lợi nhuận của 4 doanh nghiệp bán lẻ ICT: Đại gia ngã ngựa, miếng bánh thị phần có chia lại?
Khá bất ngờ khi bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 đảo ngược: các đại gia lao đao, bên bốc hơi 98% lợi nhuận, bên lỗ hàng trăm tỷ, trong khi số còn lại vẫn sống tốt.
Năm 2023 được xem năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ ICT. hồi cuối tháng 1/2023 Chứng khoán SSI cũng đã có nhận định thị trường bán lẻ sẽ nối dài khó khăn ít nhất cho đến hết tháng 6/2023 trước khi được phục hồi vào nửa cuối năm.
Chứng khoán SSI cho rằng, với giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong sáu tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm, ước tính chi tiêu cho điện thoại và điện máy sẽ giảm 10% so với năm 2022.
Tuy đã có dự báo trừ trước, nhưng tình hình thực tế diễn ra tại các doanh nghiệp lại hoàn toàn khác nhau. Quý 2 vừa qua dù nhìn chung các doanh nghiệp đều ghi nhận lợi nhuận giảm sút, tuy vậy khá bất ngờ khi nhiều ông lớn “ngã ngựa”, trong khi có doanh nghiệp lại âm thầm chiếm lĩnh thị trường.
Nhóm 4 doanh nghiệp bán lẻ ICT, Thế giới di động ghi nhận “điểm rơi” lợi nhuận theo hướng lao dốc. Các doanh nghiệp khác đều có lợi nhuận sụt giảm, tuy vậy chỉ FPT Retail là lỗ lớn.
Ông lớn Thế giới di động bất ngờ “ngã ngựa”
Bất ngờ lớn nhất trong các doanh nghiệp bán lẻ ngành công nghệ là Thế giới di động (MWG). Doanh nghiệp vừa công bố BCTC quý 2 với doanh thu thuần giảm 14,2% so với cùng kỳ, còn 29.465 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 56.571 tỷ đồng, giảm 20% so với nửa đầu năm ngoái.
Về lợi nhuận, lãi sau thuế quý 2 của hệ thống đạt chưa đến 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi lớn 1.131 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 Thế giới di động báo lãi sau thuế chưa đến 39 tỷ đồng, bốc hơi khoảng 98% so với số lãi đạt được nửa đầu năm ngoái.
Những nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận giảm sút mạnh của Thế giới di động nhiều, trong đó gánh nặng chi phí tài chính là một trong số đó. Nếu nói về tiền, Thế giới di động cũng lọt TOP những doanh nghiệp nhiều tiền nhất sàn chứng khoán với xấp xỉ 24.000 tỷ đồng tiền, tương đương tiền gửi ngân hàng, thu về 810 tỷ đồng tiền lãi. Tuy vậy nửa đầu năm 2023 công ty cũng phải chi ra 680 tỷ đồng trả lãi vay. Dư vay nợ của Thế giới di động lên đến trên 22.200 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho giảm hơn 3.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 282 tỷ đồng.
Báo cáo cho thấy trong 6 tháng đầu năm Thế giới di động đã giảm đi 10 cửa hàng Thế giới di động trên cả nước; số cửa hàng Điện may xanh giảm đi 5 và giảm 16 cửa hàng Bách Hóa Xanh, tăng 37 nhà thuốc An Khang. Thế giới di động cũng đã phải cắt giảm đi gần 6.000 nhân viên trong nửa đầu năm 2023. Tuy vậy chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tăng mạnh.
FPT Retail lỗ đậm quý 2
Thế giới di động còn “trụ” được với hơn 17 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi FPT Retail (FRT) bất ngờ báo lỗ 214 tỷ đồng trong quý 2 dù doanh thu tăng trưởng đến 15,4%. Nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ lớn là chi phí tăng cao.
Digiworld lãi lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp bán lẻ
CTCP Thế giới số (Digiworld – mã chứng khoán DGW) là một trong 4 doanh nghiệp bán lẻ ICT đang có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán. Cùng chung khó khăn của ngành bán lẻ công nghệ, Digiworld ghi nhận doanh thu quý 2 giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ, đạt gần 4.600 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 83 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.
Mảng điện thoại vẫn luôn đem lại doanh thu lớn nhất cho Digiworld với 2.190 tỷ đồng, chiếm 48% cơ cấu doanh thu của Digiworld, theo sau là mảng laptop và máy tính với doanh thu 1.342 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu doanh thu; mảng thiết bị gia dụng ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu với mức tăng 54%, đạt 166 tỷ đồng nhờ việc thêm các nhãn hàng mới và các nhãn hàng hiện có được biết đến và tin dùng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu Digiworld đạt 8.557 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ.
Trong số các khách hàng của Digiwrorld, có cả FPT Retail và Thế giới di động. Trong đó khoản phải thu với 2 doanh nghiệp này bất ngờ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023. Ví dụ với Thế giới di động, khoản phải thu tăng từ hơn 80 tỷ đồng đầu năm lên 750 tỷ đồng; với FPT Retail khoảng phải thu tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm, lên 215 tỷ đồng.
Petrosetco (PET) ghi nhận doanh thu tăng 30%
Petrosetco (PET) cũng ghi nhận doanh thu quý 2 tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, đạt hơn 4.500 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí vốn bỏ ra tăng cao nên lợi nhuận giảm 77% xuống còn gần 4 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm hơn nửa, xuống còn 43 tỷ đồng.
Petrosetco trở thành nhà phân phối chính thức cho điện thoại Motorola và các thiết bị phụ kiện tai nghe Plantronics. Hiện tại Petrosetco tập trung phân phối các sản phẩm viễn thông công nghệ, sản phẩm điện lạnh điện máy và hạt nhựa polypropylene.
Ngành bán lẻ ICT kỳ vọng nửa cuối năm
Thời điểm đầu năm báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đều dự báo 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức với ngành hàng ICT. Đặc biệt, giai đoạn đại dịch, người dân tích cực mua sắm điện thoại, laptop để làm việc, học tập online và giờ đây vẫn chưa có nhu cầu thay mới.
Tuy vậy phần lớn các nhận định đều cho rằng nửa cuối năm sẽ khởi sắc cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ ICT vẫn thăng hoa.
FRT của FPT Retail có nhiều chu kỳ biến động từ đầu năm, tuy vậy hiện đang tăng mạnh, trở lại vùng đỉnh của 1 năm trở lại đây.
Cổ phiếu DGW đã tăng mạnh mẽ từ cuối quý 1/2023 đến nay với tỷ lệ tăng 88%. Hiện DGW đang giao dịch ở vùng đỉnh từ đầu năm, thanh khoản tăng ổn định, bình quân trên 2,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Khối ngoại cũng đang tích cực giao dịch cổ phiếu DGW.
PET cũng đã có chu kỳ tăng đáng kể từ đầu năm 2023 đến nay và đang duy trì giao dịch ở vùng đỉnh từ đầu năm. PET đã tăng khoảng 73% từ đầu năm 2023 đến nay.
Ngược lại, MWG lại vừa có 2 phiên giảm sâu sau khi kết quả kinh doanh được công bố. Giá cổ phiếu MWG vừa giảm khoảng 9% từ đầu tháng 8.