Số lượng học sinh tốt nghiệp THPT bỏ từ khâu đăng ký xét tuyển không nhỏ: Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công?
Thi đại học được coi là bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi người. Đây là thời điểm đến đánh giá sự cố gắng, nỗ lực trong suốt 12 năm rèn luyện, học tập.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT bỏ từ khâu đăng ký xét tuyển ngày càng nhiều. Năm 2023, có 340.000 trong số 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT bỏ đăng ký xét tuyển. Từ đây cho thấy, giới trẻ đang có nhiều suy nghĩ, định hướng khác, thực tế hơn về con đường lập nghiệp, tương lai cho mình.
Hiện nay, học đại học không còn là lựa chọn hấp dẫn hàng đầu với các học sinh cuối cấp THPT. Nhìn vào thực trạng chung, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm rất lớn nhưng không phải ai cũng tìm kiếm được công việc phù hợp, lương thưởng ổn định với cuộc sống. Chưa kể, có rất nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học bằng khá, bằng giỏi nhưng lại làm công việc vất vả, không đúng chuyên môn như chạy xe ôm công nghệ, đi giao hàng... Những trường hợp này khiến không ít bạn trẻ cảm thấy lo lắng, hoang mang về tương lai của mình sau khi học đại học.
Đặc biệt, nhiều người trẻ bày tỏ ủng hộ quan điểm cho rằng trường đại học không phải là nơi duy nhất để học hỏi, rèn luyện. Bản thân mỗi người cần phải biết thế mạnh của mình, không ngừng học hỏi ở bất kỳ môi trường nào để hoàn thiện chính mình. Thành công không được quyết định bằng việc học đại học hay không mà nằm ở chính suy nghĩ, quan điểm, thái độ làm việc của mỗi người.
Trước khi học đại học, chúng ta đã được học tập, rèn luyện rất nhiều năm. Và chính những môi trường ấy đã mang đến cho chúng ta nhiều bài học quý báu cả về kiến thức lẫn bài học cuộc sống, thái độ sống, quan điểm sống. Học đại học là môi trường cao hơn, giúp ta rèn luyện nhiều hơn chứ không phải là con đường duy nhất, tiên quyết phải có để dẫn đến thành công.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học đại học. D.H đang là sinh viên năm 4 của trường Y nhưng vì muốn đi làm, chuyển hướng sang làm kinh tế, D.H muốn bỏ học để đi làm. Bố mẹ D.H khuyên rằng có thể sau khi tốt nghiệp không theo nghề Y nhưng vẫn nên học hết đại học. Học Y khoảng thời gian dài hơn nhưng kiến thức xã hội và kiến thức chuyên môn sẽ giúp cho D.H rất nhiều từ việc tính toán, lên kế hoạch cho cuộc đời, tương lai, sự nghiệp của mình. Đồng thời, cũng sẽ có thêm lựa chọn cho nghề nghiệp sau này.
Nhiều người có thể so sánh số chi phí sinh hoạt, học phí trong suốt thời gian học đại học và cho rằng nếu đi làm trong chừng ấy thời gian sẽ kiếm được hàng trăm triệu đồng. Tiền quan trọng nhưng không phải là tất cả. Đừng để đồng tiền chi phối suy nghĩ, quan điểm sống. Tiền để phục vụ cuộc sống chứ không phải dành cả cuộc đời phải chạy theo đồng tiền.