Bất động sản

'Số phận' long đong của Landmark 72 - tòa nhà chọc trời từng cao nhất Việt Nam

Hải Đăng 24/09/2024 17:35

Kể từ khi được xây dựng cho đến nay, tòa nhà chọc trời từng cao nhất Việt Nam - Landmark 72 liên tục bị "sang tên, đổi chủ" sau nhiều biến động.

Được rao bán với giá hơn 1.000 tỷ won

Truyền thông Hàn Quốc cho biết, Tập đoàn đầu tư toàn cầu AON đang có kế hoạch bán toàn bộ cổ phần tại tòa nhà Landmark 72 với giá hơn 1.000 tỷ won (tương đương 749,5 triệu USD).

Hiện tại, công ty này đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong bất động sản này.

Tòa nhà hiện đang được rao bán với giá hơn 1.000 tỷ won. Ảnh: Internet

Tòa nhà hiện đang được rao bán với giá hơn 1.000 tỷ won. Ảnh: Internet

Một số công ty quản lý quỹ bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn đang xem xét việc mua lại tòa nhà chọc trời này, trong đó có Công ty Chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc – một đơn vị đã từng tham gia vào thương vụ Landmark 72 vào năm 2015.

Khi đó, Mirae Asset đã mua lại khoản nợ 300 tỷ won và 100 tỷ won trái phiếu chuyển đổi (CBs) liên quan đến dự án này.

Mặc dù khoản nợ 300 tỷ won đã được bán, nhưng Mirae Asset hiện vẫn nắm giữ số trái phiếu trị giá 100 tỷ won và đang cân nhắc chuyển đổi chúng thành cổ phần phổ thông.

>> Tập đoàn Aeon 'nuôi tham vọng' xây 2 TTTM lớn bậc nhất Việt Nam trong năm 2024?

Tòa nhà cao nhất Thủ đô, từng là tòa chọc trời cao nhất Việt Nam

Landmark 72 (tọa lạc trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) là một khu phức hợp bao gồm khách sạn, văn phòng, căn hộ và trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư 1,05 tỷ USD, được Tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc xây dựng và hoàn thành vào năm 2011.

Tòa nhà có tổng diện tích lên tới 300.000m2, được thiết kế hiện đại và sang trọng.

Landmark 72 từng là tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam, đạt độ cao 350m với 72 tầng trước khi Landmark 81 của Vingroup vượt qua vào năm 2018.

Landmark 72 từng là tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam. Ảnh: Internet

Landmark 72 từng là tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam. Ảnh: Internet

Khu phức hợp này còn bao gồm hai tòa tháp đôi 48 tầng dành cho nhà ở với chiều cao 212m.

Tòa nhà này còn có khách sạn Intercontinental, nằm từ tầng 62 đến tầng 70, khai trương vào tháng 9/2017 với hội trường lớn có sức chứa hơn 2.000 người, khu vực tổ chức sự kiện ngoài trời, bể bơi và quầy bar.

Từ đài quan sát tại tầng 72, khách tham quan có thể ngắm toàn cảnh thành phố Hà Nội từ độ cao 350m.

Vị trí của Landmark 72 rất đắc địa, nằm tại giao lộ của ba tuyến đường lớn: Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng và Mễ Trì; đây là một trong những trục giao thông quan trọng ở phía Tây Thủ đô Hà Nội.

Nhờ lợi thế về vị trí, tòa nhà có giá thuê văn phòng lên tới 36 USD/m2/tháng, chưa bao gồm phí dịch vụ 6,8 USD/m2. Tỷ lệ lấp đầy của tòa nhà đã đạt 98% vào cuối năm 2023.

Lịch sử đầy biến động của Landmark 72

Chỉ sau 4 năm khánh thành, Landmark 72 của ông lớn ngành xây dựng Hàn Quốc tại Việt Nam đã phải đổi chủ.

Keangnam Enterprises – nhà đầu tư ban đầu – đã gặp phải nhiều khó khăn tài chính.

Keangnam bắt đầu dự án Landmark 72 vào năm 2007, trong bối cảnh tập đoàn này đã qua thời kỳ hoàng kim.

Tòa nhà này có số phận khá long đong khi nhiều lần

Tòa nhà này có số phận khá long đong khi nhiều lần "sang tên, đổi chủ". Ảnh: Internet

Cố Chủ tịch Sung Wan-jong của Keangnam Enterprises bị cáo buộc can thiệp vào sổ sách tài chính từ năm 2006 đến 2013 để vay 80 tỷ won (khoảng 74 triệu USD) từ ngân sách Chính phủ Hàn Quốc cho các dự án bất động sản nước ngoài, trong đó có Landmark 72.

Đây được xem là một tham vọng liều lĩnh vì Keangnam đã phải vay đến gần 50% vốn đầu tư cho dự án này.

Keangnam gặp nhiều khó khăn về tài chính do khoản nợ lớn và bị vướng vào các vấn đề pháp lý về an toàn xây dựng, chuyển giá, và tranh chấp với cư dân.

Để cứu công ty, Keangnam buộc phải rao bán một loạt dự án, bao gồm cả Landmark 72. Tháng 5/2015, Landmark 72 được Tòa án Hàn Quốc rao bán thông qua Colliers International với mức giá 830 tỷ won.

Sau nhiều đợt đấu giá, Tập đoàn AON đã vượt qua các đối thủ lớn như Goldman Sachs và Quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA) để mua lại Landmark 72 với giá 454 tỷ won (khoảng 8.383 tỷ đồng) vào tháng 12/2015.

Tuy nhiên, hiện tại, Landmark 72 lại đối diện nguy cơ đổi chủ một lần nữa.

Nguồn tin từ các ngân hàng đầu tư ở Seoul cho biết, AON Plc đang đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng.

Một số công ty quản lý quỹ bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn đang cân nhắc mua lại tòa nhà chọc trời này. Trong số đó, có một công ty chứng khoán của Hàn Quốc.

>> Khánh thành 'nhịp cầu giao thương' 500 tỷ nối 2 tỉnh giàu nhất Việt Nam

Tỉnh giàu có sở hữu siêu sân bay lớn nhất Việt Nam cấp chứng nhận đầu tư cho 17 dự án trị giá hơn 6 tỷ USD

Vì sao nhà chung cư rơi vào trạng thái ‘ngáo giá’?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/so-phan-long-dong-cua-landmark-72--toa-nha-choc-troi-tung-cao-nhat-viet-nam-d134005.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
'Số phận' long đong của Landmark 72 - tòa nhà chọc trời từng cao nhất Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH