Năm 2021, Nestlé được vinh danh Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên năm nay doanh nghiệp này đã rớt một bậc, nhường lại vị trí đầu cho Abbott.
Tối 9/11, Cộng đồng nghề nghiệp Anphabe kết hợp với Công ty nghiên cứu thị trường Intage vừa công bố danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022.
Theo đó, từ vị trí thứ tư của năm ngoái, Abbott Laboratories GmbH bứt phá lên vị trí dẫn đầu. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này được vinh danh ở vị trí số 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 toàn thị trường.
Bốn doanh nghiệp kế tiếp nằm trong top 5 gồm: Nestlé Việt Nam, Vietcombank, Viettel và Suntory PepsiCo Việt Nam - đơn vị đã tăng 20 bậc trong bảng xếp hạng so với năm ngoái.
Ngoài Vietcombank, Viettel, top 5 năm nay được áp đảo bởi các công ty đa quốc gia.
Những doanh nghiệp tiếp tục dẫn đầu các ngành như: Manulife Việt Nam (ngành bảo hiểm); PNJ Group (ngành bán lẻ/bán sỉ/thương mại); Viettel Group (ngành viễn thông/hạ tầng/công nghệ phần cứng); Samsung Vina Electronics (ngành điện tử/công nghệ cao/thiết bị phụ trợ); Công ty TNHH Maersk Việt Nam (ngành vận tải/hậu cần); CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (ngành xây dựng/kiến trúc); Tập đoàn Vingroup (đa ngành),…
Những doanh nghiệp có sự bứt phá xuất sắc khi lần đầu vào danh sách tốp 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 gồm: Công ty TNHH Pernod Ricard Việt Nam; Home Credit Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); CTCP Dược Hậu Giang; Masterise Homes; CTCP Đầu tư xây dựng Newtecons, …
Khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 được Anphabe thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, với sự tham gia bình chọn của 57.939 người đi làm, 515 công ty. Ngoài ra, đơn vị này còn có các khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu với khoảng 150 lãnh đạo và quản lý nhân sự ở 20 ngành nghề chính.
Khảo sát và chương trình vinh danh được sự bảo trợ của liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI . Phương thức khảo sát và xếp hạng được thực hiện độc lập và có bên thứ 3 là công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới tại Việt Nam là INTAGE kiểm chứng để đảm bảo tính khách quan của giải thưởng.
Kết quả khảo sát năm nay cũng ghi nhận, hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn nhưng họ đã cải thiện thu nhập của nhân viên. Tính tới tháng 9, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định. Đây là con số có nhiều thay đổi khi năm 2021 chỉ 35% người lao động được tăng lương, số bị giảm lương hoặc lương không ổn định lên tới 15%.
Cùng đó, khảo sát nhân sự của Anphabe với các giám đốc Nhân sự cũng dự báo mức tăng lương trung bình cho năm 2023 là 12%.
Ngoài thu nhập từ lương, năm 2022, các doanh nghiệp đã cố gắng để người lao động được nhận khoản thưởng cho thành tích của 2021 (cứ 10 người tham gia khảo sát có 9 người cho biết nhận thưởng). Trong đó, gần 70% được nhận mức thưởng như dự kiến hoặc cao hơn, trung bình 1,4 tháng lương.
Bên cạnh các tín hiệu tích cực từ lương thưởng, thu nhập, khảo sát của Anphabe còn cho thấy, tình trạng người lao động gặp khó trong quá trình làm việc. Theo khảo sát, 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản (stress). Trong đó, nhóm quản lý cấp trung, nhóm nhân viên có thâm niên từ 2-5 năm đang áp lực nhất. Ngành sản xuất, vật liệu xây dựng và ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên stress đông nhất, tiếp theo là các ngành dược, chăm sóc sức khỏe và xây dựng.