VNG lên sàn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón thêm rất nhiều tỷ phú mới, trong đó Founder & CEO Lê Hồng Minh chen chân vào TOP 120 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Ngày 5/1/2023 này sàn chứng khoán Việt Nam sẽ đón thêm một tân binh – một doanh nghiệp tiếng tăm trong làng công nghệ - CTCP VNG – chủ sở hữu ứng dụng Zalo triệu người mê. Với thông báo giá chào sàn 240.000 đồng/cổ phiếu – nhiều nhà đầu tư đang háo hức tìm thêm thông tin về kỳ lân công nghệ này. Mã chứng khoán của công ty sẽ là VNZ.
Ngoài những thông tin cơ bản về doanh nghiệp, nhà đầu tư, giới chuyên môn cũng rất quan tâm đến cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp – những người sắp trở thành triệu phú – tỷ phú ngay khi VNZ lên sàn. Đồng thời, câu chuyện chiến lược giữ chân nhân tài của kỳ lân công nghệ, diễn biến đến và đi của các tổ chức ngoại, bí ẩn quanh các giao dịch cổ phiếu quỹ giá rẻ…cũng được giới đầu tư quan tâm.
VNG tiền thân là công ty VinaGame - được thành lập từ năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng. Những cổ đông sáng lập ban đầu là những thanh niên trẻ, nhiệt huyết, tiên phong mở đường cho kỷ nguyên game nhập vai tại Việt Nam. Hiện tại ông Lê Hồng Minh là Founder & CEO của VNG; ông Vương Quang Khải là Co-founder.
Theo Giấy đăng ký doanh nghiệp của VNG cấp lần đầu, 4 cổ đông sáng lập đóng góp 30% vốn điều lệ của công ty ngày thành lập. Trải qua 18 năm hình thành và phát triển, VNG đã nhiều lần tăng vốn điều lệ, lên trên 358 tỷ đồng hiện nay.
Phần lớn trong số đó làn những đợt phát hành cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Một số đợt tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu ESOP thường không cao, quanh các mức giá 10.000 – 40.000 đồng/cổ phiếu.
“Phong cách” tăng vốn của VNG rất khác lạ với nhiều doanh nghiệp khác. Ưu ái cán bộ công nhân viên, cổ đông hiện hữu với giá phát hành thấp, nhưng với các cổ đông chiến lược, đối tác, giá chào bán của VNG rất cao.
Từ khi thành lập đến nay công ty đã có nhiều đợt phát hành riêng lẻ, giá phát hành hàng trăm ngàn đồng/cổ phần, trong đó đợt chào bán giá cao nhất lên đến trên 666.000 đồng/cổ phần vào năm 2015 – thời điểm công ty lần đầu được định danh là một kỳ lân công nghệ.
Chính sách ưu ái cho nhân viên khiến VNG giữ chân nhân tài, làm cho người lao động gắn bó hơn với công ty. Bên cạnh đó phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược giá cao một phần giúp định vị vị thế của doanh nghiệp ở một tầng cao. Năm 2014 VNG được World Start-up Report định giá 1 tỷ USD - trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Cái danh “kỳ lân công nghệ” vẫn gắn theo VNG đến nay.
Phát hành ESOP, phát hành cho cổ đông hiện hữu giá thấp, nhưng VNG đang chấp nhận chi ra giá rất cao để mua lại cổ phiếu quỹ. Báo cáo ghi nhận giá trị số hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ công ty đang nắm giữ có giá trị “vốn” hơn 1.900 tỷ đồng, tương ứng giá vốn mua lại khoảng 270.000 đồng/cổ phiếu quỹ.
Cơ cấu cổ đông ngày lên sàn của VNG ghi nhận trong số hơn 35,8 triệu cổ phiếu giao dịch đã có 7,1 triệu cổ phiếu quỹ tạm bị “loại khỏi cuộc chơi”, tương ứng khoảng 20% lượng cổ phiếu không được giao dịch. Số còn lại hơn 28,73 triệu cổ phiếu, nếu “Soi” cơ cấu cổ đông ngày chào sàn, VNG sẽ đóng góp cho thị trường chứng khoán Việt Nam thêm nhiều tỷ phú mới.
Founder & CEO Lê Hồng Minh sở hữu hơn 3,52 triệu cổ phiếu, có giá trị khoảng 850 tỷ đồng. Co-founder Vương Quang Khải sở hữu hơn 1,43 triệu cổ phần có giá trị khoảng 344 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều cán bộ, nhân viên công ty cũng bỗng chốc trở thành tỷ phú.
Với số cổ phần VNG này, ngay khi công ty lên sàn, ông Lê Hồng Minh đã “chen chân” vào TOP 120 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sàn gần 850 tỷ đồng, xếp trên nhiều nhân vật tiếng tăm như thiếu gia Đỗ Vinh Quang của nhà bầu Hiển (khối tài sản tạm tính 835 tỷ đồng) và xếp trên cả ông Nguyễn Như So của Dabaco (khối tài sản 824 tỷ đồng).
Nhìn danh sách cổ đông của VNG ngày lên sàn, ngoài ông Lê Hồng Minh còn có 2 cổ đông lớn là VNG Limited và BigV. Đáng chú ý nhất là, 2 cổ đông lớn này đều rất non trẻ, tuổi đời của BigV mới hơn 1 năm và VNG Limited mới thành lập nửa năm nay.
Nói về VNG Limited - cổ đông lớn nhất của VNG - là doanh nghiệp mới thành lập ngày 1/4/2022 tại Cayman Islands – tuổi đời chưa tròn 1 tuổi. Công ty có trụ sở tại 190 Elgin Avenue, George Town, Grand Cayman Ky1-9001, Cayman Islands.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 vừa qua đã chấp thuận cho VNG Limited nhận chuyển nhượng 16.975.376 cổ phiếu phổ thông (chiếm 47,359%) tổng số cổ phần công ty, mà không phải thực hiện chào mua công khai. Báo cáo ghi nhận ngày 24/11/2022 đã nhận 17.563.688 cổ phần (tỷ lệ 49%) và trở thành cổ đông lớn. Số cổ phần này của VNG Limited là nhận chuyển nhượng từ các cổ đông ngoại khác theo danh sách đính kèm.
Cổ đông lớn thứ 2 là Công ty BigV – doanh nghiệp mới thành lập tháng 8/2021 do ông Ngô Vi Hải Long làm người đại diện. BigV hoạt động chính trong mảng lập trình máy tính và sản xuất phần mềm, xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan có địa chỉ tại tòa nhà Golden King, số 15 Nguyễn Lương Bằng, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Danh sách cổ đông ghi nhận trước ngày VNG lên sàn, BigV sở hữu 1.643.716 cổ phần VNG tương ứng tỷ lệ 5,72% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Tuy vậy số cổ phần mà VNG mà BigV sở hữu cũng mới được gia tăng liên quan đến cổ phiếu quỹ của VNG.
Cụ thể, Website VNG ghi nhận ngày 23/12/2022 CTCP Dịch vụ dữ liệu công nghệ thông tin Vi Na đã chuyển nhượng hết toàn bộ 1.111.441 cổ phần. Bên nhận chuyển nhượng: CTCP Công nghệ BigV nhận 1.111.441 cổ phần, nâng tổng sở hữu sau giao dịch lên 1.643.716 cổ phần như hiện nay.
Câu chuyện kể ngược lại, tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 ghi nhận đến cuối năm 2021 VNG còn 9.970.702 cổ phiếu quỹ. Còn số liệu trên BCTC quý 3/2022 lại ghi nhận số cổ phiếu quỹ đến 30/9/2022 còn 7.108.262 cổ phiếu. VNG cho biết số chênh lệch 2.862.440 cổ phiếu quỹ này thuộc sở hữu của công ty con của VNG: số cổ phiếu này được công ty con của VNG mua trước thời điểm quy định “công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ”. Báo cáo tài chính riêng quý 3/2022 ghi nhận số cổ phiếu quỹ công ty mẹ đang nắm giữ là 7.108.262 cổ phiếu.
Để xử lý vấn đề này, BCTC quý 3/2022 thể hiện công ty đã có động thái “tái phát hành cổ phiếu quỹ”. Đến ngày 30/22/2022 các công ty con của VNG đã không còn sở hữu cổ phiếu của VNG. Công ty Dịch vụ dữ liệu Vi Na là một trong số các công ty con liên quan đến số cổ phiếu quỹ vừa được VNG tái phát hành kể trên. Giá trị ghi nhận cho số hơn 2,8 triệu cổ phiếu quỹ “tái phát hành” này chỉ hơn 11 tỷ đồng.
Như vậy, phần lớn số cổ phần VNG mà BigV đang sở hữu, được xác định là số cổ phần nhận chuyển nhượng từ cổ phiếu có nguồn gốc cổ phiếu quỹ của VNG.
Không chỉ vậy Đại hội đồng cổ đông bất thường của VNG mới đây đã thông qua theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản ngày 9/12/2022. Nội dung ghi nhận công ty dự kiến chào bán riêng lẻ 7.108.262 cổ phiếu quỹ còn lại cho CTCP Công nghệ BigV với giá 177.881 đồng/cổ phiếu. Ước tính nếu bán thành công với giá này, VNG thu về 1.264 tỷ đồng.
Trước hết, nói về số cổ phiếu quỹ của VNG: Số liệu trên BCTC hợp nhất quý 3/2022 ghi nhận giá trị “vốn” của số cổ phiếu quỹ này là 1.931 tỷ đồng – còn giá trị ghi nhận trên BCTC riêng là 1.264 tỷ đồng – bằng với giá trị bán cho BigV. Số chênh “âm” 666 tỷ đồng liên quan đến số hơn 2,8 triệu cổ phiếu quỹ mà VNG mới “tái phát hành”: Tổng hơn 2,86 triệu cổ phiếu quỹ này được “định giá” tổng giá trị hơn 11 tỷ đồng, tương ứng giá “xả” ra khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu?.
Thứ hai, nói về giá bán cổ phiếu quỹ. VNG cho biết dự kiến bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ còn lại cho BigV với giá 177.881 đồng/cổ phiếu – trong khi giá chào sàn cổ phiếu VNZ là 240.000 đồng/cổ phiếu – có thể thấy rõ sự “ưu ái” cho BigV.
Không chỉ vậy, lần lại lịch sử, lần gần đây nhất VNG bán cổ phiếu quỹ khoảng tháng 3/2019. Thời điểm đó VNG bán 355.820 cổ phiếu quỹ trong tổng số 7.464.082 cổ phiếu quỹ sở hữu lúc nhằm tăng vốn lưu động để mở rộng và phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, góp vốn đều tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh để phát triển và củng cố thị phần và vị trí công ty trong ngành công nghiệp internet. Giá bán bình quân 1.861.800 đồng, tương ứng tổng giá trị 662 tỷ đồng. Đây là giao dịch bán cổ phiếu quỹ cho Seletar Investments Pte Ltd (uỷ thác cho Chứng khoán SSI làm trung gian mua bán và quản lý).
Nhìn giá bán cổ phiếu quỹ cho Seletar Investments và BigV mới thấy sự “ưu ái” đến như thế nào.
Lần gần nhất VNG mua lại cổ phiếu quỹ cũng đã diễn ra từ tháng 5/2017: đăng ký mua 1,1 triệu cổ phiếu, đã mua 1.060.846 cổ phiếu do một số nhân viên vẫn nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của công ty và không bán theo kế hoạch.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 vừa qua của VNG thông qua báo cáo kết quả thực hiện chương trình ESOP năm 2021. Theo đó VNG cho biết kế hoạch dự kiến số lượng quyền mua cổ phần thực hiện trong năm 2021 là 414.772 cổ phần đã không được thực hiện như dự kiến.
Theo VNG, nguyên nhân do công ty đang xem xét thay đổi toàn diện chương trình ESOP nhằm phù hợp với tình hình mới và giai đoạn phát triển mới của công ty. Công ty vẫn đảm bảo mọi quyền và lợi ích của nhân viên và không ngừng nâng cao phúc lợi, quyền lợi cho đội ngũ nhân tài của mình.
Chính sách ESOP của VNG lâu nay được xem là “điểm nhấn” của Kỳ lân công nghệ này từ những ngày thành lập. Phần lớn những đợt phát hành tăng vốn điều lệ của VNG đều là phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán giá rẻ cho cổ đông hiện hữu. Song song với đó là chính sách chào bán giá cao cho đối tác chiến lược khiến CNCNV công ty có lợi lớn.
Với sự “đổi mới toàn diện” này, liệu chính sách ESOP hấp dẫn này sẽ có diện mạo mới thế nào? Liệu đây có phải nguyên nhân khiến VNG bán đi hết số cổ phiếu quỹ “gom” lại của nhân viên trước đó?
TTC Hospital (VNG) 'bán đứt' Palace Bình Thuận cho Núi Tà Cú, tạm lãi gần chục tỷ đồng
Doanh nhân Đặng Văn Thành: 45 năm ‘chinh chiến’, hệ sinh thái TTC Group có được những gì?