'Sợi dây huyết mạch' giúp ‘chia lửa’ giao thông cho tuyến Vành đai 3 sau 7 năm triển khai vẫn chưa 'cán đích'
Dù được khởi công từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm, dự án này vẫn đang ngổn ngang do chưa giải tỏa được mặt bằng.
Dự án đường Vành đai 3,5 (từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32) có chiều dài 5,5km với tổng mức đầu tư hơn 1.795 tỷ đồng, do Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư.
Công trình được khởi công vào năm 2017, dự kiến sẽ hoàn thành sau một năm triển khai nhưng đến nay trên công trường thi công vẫn còn ngổn ngang.
Hiện nay ở điểm đầu tiếp giáp với đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, mặt bằng chưa được giải toả; đây là vị trí sẽ xây dựng nút giao có tổng mức đầu tư hơn 2.450 tỷ đồng gồm hầm chui và các đường nhánh kết nối.
Các khu nhà xưởng dài khoảng 200m tính từ điểm đang thi công đến Đại lộ Thăng Long hiện cũng vẫn chưa hoàn thành xong công tác giải tỏa. Việc dự án được triển khai nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành khiến cho việc đi lại và cuộc sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến cầu Hậu Ái về cơ bản đã thành hình, mặt đường đã được trải thảm nhựa, các hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng hiện đã được lắp đặt. Trong khi đó, đoạn từ cầu Hậu Ái đến nút giao Quốc lộ 32 hiện vẫn còn nhiều hạng mục ngổn ngang, người dân thường phải đi đường tắt.
Đoạn đường thuộc địa phận xã Di Trạch hiện vẫn chưa được trải nhựa, cây xanh đã được trồng ở bên đường.
Một trong những điểm "ùn tắc" khiến dự án bị "nghẽn" 7 năm vẫn chưa hoàn thành là do việc khai quật và di dời Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (Kim Chung) rộng khoảng 6.000m2 (chiếm phần lớn mặt đường).
Theo dự kiến, đến quý I/2024 sẽ hoàn thành để bàn giao mặt bằng cho Dự án Vành đai 3,5, thời gian thi công là 330 ngày.
UBND huyện Hoài Đức cho biết Dự án đường Vành đai 3,5 đến nay đã thực hiện được khối lượng công việc giai đoạn 1 đạt 90%, giai đoạn 2 đạt 75% và giai đoạn 3 đạt 30%.
Tuyến đường Vành đai 3,5 là tuyến đường nằm giữa Vành đai 3 và Vành đai 4; Theo như quy hoạch, đây là trục giao thông "huyết mạch" xuyên qua khu dân cư hiện trạng và các KĐT mới của các quận nội thành với khả năng tạo ra động lực lớn cho sự phát triển thương mại, dịch vụ của TP. Hà Nội.
Sau khi hoàn thiện, dự án được kỳ vọng sẽ "chia lửa" giao thông cho tuyến đường Vành đai 3, kết nối KĐT mới trên địa bàn, hoàn thiện hạ tầng khung và góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội.
Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam sắp có khu kinh tế thứ 2 nằm sát biển quy mô 20.000ha
Tỉnh có vịnh biển đẹp nhất Việt Nam ‘rục rịch’ đón khu nghỉ dưỡng tầm nhìn triệu đô