Theo tôi nên hiểu cho đúng như thế nào là sống tích cực kẻo thành lạc quan tếu.
Sẵn sàng cho tiêu cực
Tình hình covid anh thế nào, mọi việc vẫn tốt chứ?
Tốt thế nào được, tình hình mịt mùng như mớ bùng nhùng này chưa có lối thoát. Nhưng tôi vẫn làm những việc cần làm trong bối cảnh khó khăn chung. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều có việc cần làm. Bình thường hoá khó khăn nhưng cần có kịch bản cho tình huống xấu nhất sẽ làm những gì. Tích cực bắt đầu từ cách nhìn nhận đúng nghịch cảnh, tích cực phải chuẩn bị cho những điều tiêu cực.
Chấp nhận những điều vô lý
Cuộc sống bản thân nó là chuỗi những điều vô lý & bất công bất tận. Càng trong tình huống khó khăn càng nảy sinh những điều vô lý (theo cách hiểu của từng người).
Trong mọi tình huống, dù tệ nhất, đều có lựa chọn giải pháp thiết thực nhất. Muốn tích cực không thể để mắc kẹt ở những chuyện vô lý bất công. Cái gì không thay đổi được thì rẽ sang cái khác. Đứng một chỗ càm ràm thì mỗi mình nghe chứ ai nghe.
Đúng mực với yêu ghét
Cuộc sống thế nào nhìn đúng nó thế vậy, con người họ thế nào, dù yêu dù ghét cũng cần khách quan với họ, cả cái xấu lẫn cái tốt.
Yêu quá dẫn đến thần thánh hoá khó mà tích cực được lâu. Càng thần thánh càng mau thất vọng thôi. Cũng đừng để cái sự ghét chi phối gặm nhấm bản thân. Yêu ai yêu cả lối về, ghét ai ghét cả tôn chi họ hàng. OK yêu ai yêu cả lối về thì hay. Nhưng ghét ai mà xúc cả cụm thì thiệt là hủ nho và cực đoan.
Càng ít hiểu biết càng dễ hậm hực, nhiều khi hay vơ về mình, suy diễn lung tung chỉ vì sự nông cạn mà ra. Biết thi vị hoá cũng là một kỹ năng sống tuyệt vời của những người biết sống tích cực.
Bớt ngó nghiêng
Trong lòng không yên mới suốt ngày ngó nghiêng. Yếu kém mới tìm kiếm cái chưa tốt bên ngoài để vỗ về bản thân. Làm cái gì cũng phải nhìn sang lỗ khoá người hàng xóm để trấn an thì khó mà tích cực được. Từ cấp độ cá nhân đến quốc gia, những người làm tốt luôn tập trung cao độ vào công việc của mình. Họ giải quyết vấn đề của chính họ thay vì phí thời gian để ngó nghiêng.
Hiểu bản thân, ngừng đổ lỗi
Tại anh, tại cô, tại ông kia, tại bà kia, tại và tại. Dường như câu cửa miệng khi có khó khăn, xảy ra kết quả không ý muốn là chúng ta bật ra câu đổ lỗi cái đã.
“Con người không phải là những sinh vật hiền lành, thân thiện, mong muốn tình yêu, vốn chỉ đơn giản tự vệ nếu bị tấn công. Một phần khả năng của họ chính là khát khao gây hấn mạnh mẽ”. Đây là kết luận nghiên cứu của Sigmund Freud, người đặt nền móng cho học thuyết phân tâm học.
Phán xét, tìm đối tượng để đổ lỗi dường như trở thành phản xạ để tự vệ của động vật cao cấp. Gây hấn vì thấy mình yếu kém hơn người khác, gây hấn để khỏi cảm thấy thua thiệt, để chứng tỏ bản thân & có lúc gây hấn để che dấu sự sợ hãi. Những lúc như vậy những người thuộc dạng này họ cần một con mồi phù hợp. Xã hội văn minh, cộng đồng văn minh, gia đình văn minh phần người như hạt giống gặp đất lành sinh sôi nảy nở. Và trường hợp ngược lại, phần con sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.
Tự lục vấn bản thân nhiều hơn, mục đích là khi hiểu bản thân, mới hiểu người xung quanh được. Nếu không thể tích cực hơn, ít nhất bớt tiêu cực đi, bớt vô tâm đi, bớt bảo thủ đi, bớt tiêu cực đi.
Cuối cùng, muốn tích cực hãy đổ mồ hôi. Vận động ra mồ hôi sẽ kích thích ăn uống, ngủ ngon sẽ hết tiêu cực. Vận động nhiều, làm nhiều đâu còn thời gian ngồi nghĩ lung tung nữa.
Đơn giản vậy thôi.