Những cái tên nổi bật tham gia rót vốn cho startup này bao gồm Quỹ 42X của Abu Dhabi, SoftBank, ResponsAbility Investments AG, 500 Global, Northstar, Temasek.
Công ty khởi nghiệp eFishery - chuyên sản xuất hệ thống cho ăn thông minh phục vụ ngành thủy sản vừa huy động được 200 triệu USD trong vòng cấp vốn Series D, theo TechCrunch.
Với mức định giá 1 tỷ USD, eFishery là công ty khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản toàn cầu đạt được cột mốc quan trọng này. Công ty đã đặt mục tiêu mở rộng tới 1 triệu ao nuôi trồng thủy sản ở Indonesia vào năm 2025, cũng như mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Đáng chú ý, những cái tên nổi bật tham gia rót vốn cho eFishery bao gồm Quỹ 42X của Abu Dhabi (nhà đầu tư chính), ResponsAbility Investments AG, 500 Global, Northstar, Temasek và SoftBank. Trong khi Goldman Sachs đóng vai trò là cố vấn tài chính duy nhất cho eFishery.
Trước đó, eFishery cũng đã huy động được 90 triệu USD hồi tháng 1/2022 tại vòng gọi vốn Series C, theo TechCrunch.
Vậy startup này có gì đặc biệt?
eFishery được thành lập bởi Gibran Huzaifah tại Bandung, Tây Java vào năm 2013. Hiện nay, công ty đang cung cấp dịch vụ cho 70.000 nông dân nuôi tôm, cá trên 280 thành phố ở Indonesia.
Nền tảng của eFishery cung cấp một loạt dịch vụ, bao gồm hệ thống cho ăn tự động IoT (Internet vạn vật), bán thức ăn cho cá và tôm tới nông dân, bán các sản phẩm cá và tôm tươi cho khách hàng B2B và các hỗ trợ tài chính cho người nuôi cá.
Ứng dụng công nghệ vào ngành thủy sản
Khi vẫn còn là sinh viên đại học, Huzaifah đã bắt đầu thuê ao để nuôi cá da trơn. Huzaifah phát hiện ra rằng việc cho ăn chiếm từ 70% đến 90% tổng chi phí sản xuất và phần lớn vẫn được thực hiện thủ công.
Do đó, lượng thức ăn nhận được cũng như kích thước của cá không đồng đều. Không chỉ cho ăn thiếu mà cho ăn quá nhiều cũng có thể gây ra nhiều vấn đề vì chất dinh dưỡng chảy tràn làm ô nhiễm nguồn nước.
Với sự giúp đỡ từ một người bạn có kiến thức nền tảng về công nghệ, anh đã chế tạo một mô hình máy cho cá ăn tự động, sử dụng công nghệ Internet-of-Things (Internet vạn vật) nhằm loại bỏ vấn đề cá ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Thông qua hệ thống eFisheryFeeder, nông dân có thể kiểm soát ao cá một cách dễ dàng từ điện thoại thông minh, trong đó có dữ liệu về lượng thức ăn, loại và nhãn hiệu thức ăn được sử dụng hàng ngày, tổng sản lượng cá, hành vi và sự thèm ăn của cá, mật độ đàn và tỷ lệ tử vong.
Sau khi tạo ra hệ thống cho ăn thông minh của eFishery, Huzaifah lại gặp phải trở ngại từ những người nuôi cá bởi họ ngại đổi mới. Phải mất vài tháng thuyết phục họ mới đồng ý dùng thử, không phải vì tin vào công nghệ mà vì họ đồng cảm với anh.
Một lý do từ chối chấp nhận công nghệ mới là do không quen với internet, nhiều người trong số họ không phải là người dùng internet thường xuyên. Do đó, Huzaifah và nhóm của mình đã cung cấp khóa học "Internet 101" để dạy nông dân cách tạo email, sử dụng Facebook, thu thập thông tin trên YouTube và các hoạt động dựa trên internet khác.
Đóng góp quan trọng cho ngành thủy sản Indonesia
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nhân khẩu học của Đại học Indonesia (LDUI), năm 2022, eFishery đóng góp 1,55% tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Con số này rất đáng chú ý khi ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Indonesia lớn thứ hai trên toàn cầu, chỉ đứng sau Trung Quốc. Indonesia sản xuất khoảng 5,8 triệu tấn cá hàng năm, theo World Atlas.
Giám đốc 42XFund - nhà tài trợ chính trong vòng gọi vốn Series D cho biết, "công nghệ và các giải pháp nuôi trồng thủy sản toàn diện do eFishery cung cấp đã có tác động đáng kể đến ngành công nghệ thủy sản và mang lại lợi ích cho các hộ nông dân nhỏ ở Indonesia.
Do đó, chúng tôi tin tưởng rằng eFishery sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế bền vững và toàn diện đồng thời hướng tới các mục tiêu bảo tồn môi trường, không chỉ ở Indonesia mà còn vươn ra thị trường quốc tế".
Huzaifah nhận định mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia rất lớn nhưng nó mới chỉ đạt được từ 7% đến 9% tổng tiềm năng. Một trở ngại đáng kể mà quốc gia này phải đối mặt là sự phân mảnh. Theo Huzaifah, Indonesia có 34 tỉnh, mỗi tỉnh có tập quán kinh doanh riêng nên việc bản địa hóa là cần thiết cho từng vùng.
Vì vậy, để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản và thúc đẩy xuất khẩu cá, Huzaifah tin rằng cần khuyến khích các phương pháp nuôi trồng bền vững như đào tạo, ủng hộ các kỹ thuật tiên tiến và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn giống chất lượng. Ngoài ra, tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại để tăng số lượng người mua là điều cần thiết.