Startup sạc xe điện khẳng định tốt nhất thị trường với 'vô số' ưu điểm có thuyết phục được các Shark?
Số vốn đội ngũ mong muốn kêu gọi đầu tư là 6,18 tỷ đồng cho 6,18% cổ phần.
Tại Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 11, Tiến sĩ Nguyễn Duy Đỉnh mang tới dự án EVSELab - chuyên gia về giải pháp sạc xe điện toàn diện: an toàn, tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Đỉnh - Giám đốc công nghệ và Đồng sáng lập EVSELab, cứ mỗi năm có 400.000 xe điện đăng ký mới, tỉ lệ tăng trưởng mỗi năm là 10 - 16%. Trong số 4,6 triệu xe hiện có trên thị thường có khoảng 80% người dùng là học sinh sinh viên, những người đấy luôn có nỗi lo thường trực về cháy nổ. Theo thống kê 60% số vụ cháy nổ xe điện là liên quan đến quá trình sạc.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Đỉnh giới thiệu dự án EVSELab - chuyên gia về giải pháp sạc xe điện toàn diện |
Đến Shark Tank, đội ngũ sáng lập mang đến giải pháp sạc PRO-E dành cho xe máy điện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Đỉnh “Bộ sạc này có chín tính năng an toàn và bốn tính năng thông minh so với các bộ sạc khác trên thị trường. Với 5% hiệu suất tăng thêm cho mỗi bộ sạc, EVSELab có thể tiết kiệm được 600 số điện cho một đội xe vận chuyển hàng 100 xe. Nếu xét trên quy mô 1 triệu bộ, số tiền điện tiết kiệm được sẽ tương đương với một nhà máy thủy điện nhỏ. Về mặt an toàn, dùng công nghệ sạc cho ô tô để áp dụng cho xe máy nên an toàn hơn. Về mặt thông minh, có bốn chế độ sạc thay vì hai chế độ sạc như các bộ sạc thông thường. EVSELab áp dụng kỹ thuật điều khiển thông minh để giảm độ gợn sóng của dòng điện, kéo dài tuổi thọ của pin”.
Cụ thể, EVSELab dùng công nghệ biến đổi cộng hưởng LLC có hiệu suất cao, giải pháp thường dùng cho sạc ô tô, để thay cho công nghệ biến đổi flyback hiệu suất thấp. Hiệu suất bộ sạc thông thường đạt 86% thì bộ sạc PRO-E đạt 91%. Đối tượng khách hàng EVSELab hướng đến là những người ưu tiên sự an toàn và bảo vệ môi trường. Vì sản phẩm ưu việt hơn nên giá bán EVSELab cao hơn 20% so với sản phẩm trên thị trường, 1 triệu đồng/bộ.
Số vốn đội ngũ mong muốn kêu gọi đầu tư là 6,18 tỷ đồng cho 6,18% cổ phần.
Shark Tillman Schulz đã ngắt lời đội ngũ EVSELab khi thấy họ quá tập trung vào công nghệ sản phẩm, yêu cầu họ chia sẻ thêm về mô hình kinh doanh và tỷ suất hoàn vốn. Đội ngũ sáng lập cho biết thị trường hiện tại có 4,6 triệu xe máy điện, tương đương với 4,6 triệu bộ sạc đang được sử dụng, và nhu cầu thay thế bộ sạc là khoảng 2 năm một lần. Điều này có nghĩa là có khoảng 2,3 triệu bộ sạc sẽ cần thay thế mỗi năm. Hiện EVSELab đã đưa ra thị trường 600 sản phẩm, trong đó 400 sản phẩm đang được phân phối qua ba đơn vị lớn nhất về xe máy điện tại Hà Nội.
Đội ngũ sáng lập cho biết sản phẩm chỉ mới ra mắt thị trường được 2 tháng và vẫn đang trong giai đoạn cho khách hàng dùng thử miễn phí trước khi bán chính thức. Mục tiêu của họ trong năm 2024 là bán được 10.000 bộ sạc, tăng lên 60.000 bộ vào năm 2025 và đạt 200.000 bộ vào năm 2026. Trả lời câu hỏi của các Shark về khả năng đạt được mục tiêu này, anh Lê Chí Nguyện, Giám đốc điều hành EVSELab, cho biết hiện sản phẩm đã được phân phối qua các đối tác lớn với nhiều cửa hàng toàn quốc, và đội ngũ tư vấn bán hàng hoàn toàn có thể bán sản phẩm dựa vào thông số kỹ thuật của EVSELab.
EVSELab dùng công nghệ biến đổi cộng hưởng LLC có hiệu suất cao, giải pháp thường dùng cho sạc ô tô |
Shark Minh đã đặt câu hỏi về kế hoạch tài chính chi tiết của startup, đội ngũ EVSELab cho biết lợi nhuận khi bán cho đại lý là 20%, còn khi bán trực tiếp cho khách hàng là 40%, nhưng lợi nhuận này chưa bao gồm chi phí marketing. Nếu tính thêm marketing, lợi nhuận sẽ giảm đi.
Shark Nga chỉ ra rằng startup vẫn chưa có chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật từ một bên thứ ba, điều này có thể ảnh hưởng đến việc làm việc với các đối tác lớn và thuyết phục khách hàng. Shark Nga đề nghị sau chương trình sẽ hỗ trợ EVSELab trong việc đạt được các chứng nhận quốc tế hoặc trong nước để tăng tính thuyết phục. Bà cũng nhận định rằng startup còn thiếu một người chuyên làm phát triển kinh doanh để đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn và quyết định cân nhắc đầu tư sau khi startup đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đó.
Shark Tillman Schulz và Shark Minh Beta đều từ chối đầu tư, với lý do đội ngũ sáng lập mạnh về công nghệ nhưng yếu về mô hình kinh doanh và phát triển thị trường. Shark Minh cho rằng EVSELab cần có sự hiểu biết sâu hơn về đối thủ cạnh tranh và thị trường, vì sản phẩm đơn thuần không đủ để thành công trong môi trường kinh doanh cạnh tranh.
Shark Phi Vân cũng đồng ý với quan điểm này và cho rằng startup cần phải hợp tác với một công ty lớn trong ngành xe điện để phát triển thị trường và hệ thống phân phối, thay vì tự mình phải gánh vác toàn bộ các khía cạnh như marketing, đại lý, và phát triển thị trường.
EVSELab không nhận được khoản đầu tư nào từ các Shark |
Shark Bình là người ra quyết định cuối cùng. Ông đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp và khả năng sản xuất sản phẩm của EVSELab, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Việt Nam yếu thế hơn so với Trung Quốc về sản xuất và chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ông cho rằng sản phẩm bộ sạc của EVSELab dù tiết kiệm điện nhưng không đủ khác biệt so với các sản phẩm hiện có, và số lượng điện tiết kiệm được không nhiều để thuyết phục khách hàng với mức giá cao hơn 20%. Shark Bình nhấn mạnh, nếu EVSELab phát triển hạ tầng sạc, ông sẽ hứng thú hơn với việc đầu tư, nhưng hiện tại ông quyết định không đầu tư vào sản phẩm đơn lẻ này.
Kết thúc thương vụ, EVSELab không nhận được khoản đầu tư nào từ các Shark.