Startup từng đạt giá trị 1,2 tỷ đô, 20 triệu người dùng nay phải giải thể vì bị phanh phui rằng 95% số người dùng chỉ là tài khoản ảo.
Năm 2021, SoftBank đầu tư 170 triệu đô vào một ứng dụng mạng xã hội mang tên IRL và biến startup này trở thành “kỳ lân” với giá trị vốn hóa 1.2 tỷ USD.
Tuy nhiên, SoftBank hoàn toàn không biết rằng IRL gần như không có ai sử dụng. Hồi năm ngoái, thông tin về lượng người dùng xác thực của cộng đồng IRL cũng bị nghi ngờ khi ông Shafi, giám đốc IRL tuyên bố ứng dụng tin nhắn của startup này có khoảng 20 triệu người dùng hoạt động hằng tháng.
Giờ đây, Hội đồng quản trị công ty cũng đã phải thừa nhận rằng 95% người dùng của ứng dụng này là “bot”, tức là người dùng ảo, chạy tự động trên máy tính. Như vậy, con số gần 20 triệu tài khoản này là lừa đảo.
IRL là tên viết tắt của “in real life”- trong cuộc sống thực, tự quảng cáo là một ứng dụng mạng xã hội thay thế cho Facebook, hướng đến đối tượng giới trẻ. Thời điểm SoftBank đổ tiền đầu tư cho IRL, họ gọi ứng dụng này là một “mạng xã hội sáng tạo dựa trên việc tổ chức sự kiện” cho phép “mọi người tương tác với nhau nhiều hơn.” Theo Giám đốc điều hành Abraham Shafi, “Mục tiêu chính của IRL luôn là tạo ra các cộng đồng thân mật và chân thực hơn”.
Sau khi bị phanh phui là không có ai dùng thật, đại diện phát ngôn của IRL - ông Elliot Sloane xác nhận rằng công ty sẽ bị giải thể và phần lớn tài sản dự kiến chuyển vào quỹ ủy thác thanh lý. Hồi tháng tư, ông Abraham Shafi cũng thông báo từ chức Giám đốc điều hành.
Và giờ đây, đa số cổ đông đều cho rằng “triển vọng trong tương lai của công ty là không bền vững”. Theo đó, Ủy ban Quản lý Giao dịch và Chứng khoán Mỹ cũng vào cuộc điều tra xem liệu công ty có vi phạm luật chứng khoán theo cách công ty mô tả hiệu quả kinh doanh của mình cho các nhà đầu tư hay không.
Hiện, trang web IRL vẫn hoạt động nhưng ứng dụng đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng iOS. Tuy nhiên, ứng dụng này vẫn còn trên Cửa hàng Google Play dành cho thiết bị Android.
Hồi thời kỳ đỉnh cao hơn một năm trước, IRL có khoảng 100 nhân viên, và công ty thậm chí cũng đã huy động vốn từ nhiều quỹ đầu tư khác nhau như Founders Fund, Goodyear Capital và Floodgate Fund.
CEO Abraham Shafi hồi năm 2021 còn tự hào vì IRL như WeChat - ứng dụng nhắn tin có lượng người dùng hơn 1 tỷ ở Trung Quốc - của phần còn lại của thế giới: “Chúng tôi có cơ hội xây dựng một thứ như WeChat cho phần còn lại của thế giới”. Và giờ đây, điều chắc chắn là IRL sẽ không bao giờ đạt được điều đó.
Rõ ràng, sự sụp đổ của IRL khiến các nhà lãnh đạo từ các công ty khởi nghiệp phải suy nghĩ lại. Họ cho rằng, một công ty không thể phát triển bền vững trên sự gian lận và dối trá. Theo đó, Giám đốc điều hành Sara Mauskopf của Winnie - công ty chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em cho rằng: “Một doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ khó có thể đạt tới trạng thái kỳ lân chỉ trong một vài năm”.
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Isa Watson của Squad cũng khẳng định: “Trở thành kỳ lân chỉ sau một đêm mà giới truyền thông thích ủng hộ và các quỹ đầu tư mạo hiểm thích ‘ném tiền qua cửa sổ’ là những điều không bao giờ tồn tại”. Trường hợp của IRL cũng là một “đòn đau” để các nhà đầu tư phải cẩn thận hơn khi rót tiền.