Sản xuất tăng trưởng ‘ngoạn mục’ nhưng tiêu dùng hụt hơi: Chuyện gì đang xảy ra với Trung Quốc?
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 tăng mạnh hơn dự báo, cho thấy sức bật đáng kể của "công xưởng thế giới", giữa lúc căng thẳng thương mại với Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 19/5, sản lượng công nghiệp tháng 4 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù thấp hơn mức tăng 7,7% của tháng 3, con số này vẫn vượt xa dự báo trung vị 5,7% trong khảo sát.

Bức tranh tổng thể cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chứng tỏ khả năng thích ứng nhanh với biến động địa chính trị, đặc biệt sau khi Bắc Kinh và Washington đạt thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày hồi đầu tháng 5.
Trong khi khu vực sản xuất mang đến tín hiệu tích cực, tiêu dùng trong nước lại cho thấy dấu hiệu hụt hơi. Doanh số bán lẻ – thước đo quan trọng của tiêu dùng – chỉ tăng 5,1% trong tháng 4, thấp hơn mức 5,9% của tháng 3 và dưới kỳ vọng của giới phân tích.
Đầu tư tài sản cố định trong 4 tháng đầu năm tăng 4%, chậm lại so với các giai đoạn trước. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm nhẹ từ 5,2% xuống còn 5,1%.
Trên thị trường tài chính, đồng nhân dân tệ hải ngoại gần như không biến động, giữ ở mức 7,2126 CNY/USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm nhẹ về 1,67%. Chỉ số cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông thu hẹp đà giảm sau khi dữ liệu được công bố.
Sản xuất phục hồi giữa khủng hoảng: Tín hiệu bất ngờ từ cuộc chiến thuế
Sản xuất công nghiệp tăng mạnh bất ngờ đã tiếp thêm niềm tin rằng Trung Quốc có thể né được cú sốc lớn từ đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Xuất khẩu tháng 4 cũng vượt kỳ vọng, nhờ doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á và châu Âu để bù đắp cho sự sụt giảm đơn hàng từ Mỹ.
Tín hiệu lạc quan này đã khiến một số ngân hàng lớn như Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2025. Tuy nhiên, hầu hết vẫn giữ mức thấp hơn mục tiêu "khoảng 5%" mà Bắc Kinh đề ra.

Theo các nhà kinh tế của Citigroup, thỏa thuận đình chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp giảm bớt sự bất định về thuế quan, tạo điều kiện để giới chức Trung Quốc "tạm dừng theo dõi" trước khi tung thêm các biện pháp kích thích mới.
Cùng quan điểm, Morgan Stanley gần đây đã hạ kỳ vọng về gói kích thích tài khóa bổ sung từ 1.500 tỷ nhân dân tệ xuống còn 1.000 tỷ (tương đương 139 tỷ USD), dự kiến sẽ được triển khai vào quý IV thay vì quý III như trước.
Tuy nhiên, sự chững lại trong tiêu dùng – thể hiện qua đà giảm tốc doanh số bán lẻ – lại cho thấy tác dụng của các chương trình trợ giá cho hàng tiêu dùng như điện thoại và đồ gia dụng đang mờ nhạt dần. Điều này đặt ra yêu cầu cần có thêm chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn.

Niềm tin người tiêu dùng vẫn mong manh khi thị trường bất động sản lao dốc kéo dài và lo ngại về nguy cơ sa thải trong lĩnh vực sản xuất – xuất khẩu quy mô lớn.
Tỷ lệ tiền gửi kỳ hạn so với tổng tài sản hộ gia đình đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4, theo các chuyên gia của Citi, cho thấy người dân vẫn đang trong “chế độ giảm đòn bẩy tài chính”.
Trung Quốc 'giáng đòn', áp thuế 75% đối với một mặt hàng quan trọng nhập khẩu từ Mỹ
Mỹ 'xuống thang' với Trung Quốc: Hàng loạt quốc gia châu Á sẽ điều chỉnh chiến lược đàm phán?