Thế giới

Anh - EU sắp ký thỏa thuận lịch sử hậu Brexit

Thanh Lê 19/05/2025 - 13:54

Đây được xem là sự điều chỉnh toàn diện đầu tiên kể từ khi nước này rời EU năm 2020, nhằm thúc đẩy hợp tác về thương mại và quốc phòng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và củng cố an ninh tại châu Âu.

Vương quốc Anh đang chuẩn bị cho một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), với thỏa thuận được dự kiến ký kết vào thứ Hai.

Thủ tướng Keir Starmer – người từng ủng hộ Anh ở lại EU – đang đặt cược rằng các lợi ích thiết thực mà người dân nhận được từ mối quan hệ gần gũi hơn với EU sẽ đủ sức dập tắt làn sóng chỉ trích từ các chính trị gia cứng rắn như lãnh đạo Reform UK, ông Nigel Farage, người vẫn thường xuyên cáo buộc chính phủ "phản bội Brexit".

Anh - EU sắp ký thỏa thuận lịch sử hậu Brexit - ảnh 1
Anh và EU sắp ký thỏa thuận lịch sử hậu Brexit

Theo Starmer, thế giới đã thay đổi đáng kể kể từ khi Brexit diễn ra. Trọng tâm của bước thiết lập lại quan hệ lần này là một hiệp ước quốc phòng và an ninh, có thể mở đường cho các công ty quốc phòng Anh tham gia vào chương trình tái vũ trang trị giá 150 tỷ euro của châu Âu.

Thỏa thuận được thúc đẩy trong bối cảnh trật tự thế giới hậu Thế chiến II bị đảo lộn bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Những biến động này buộc nhiều quốc gia phải đánh giá lại cách thức hợp tác trong thương mại, quốc phòng và an ninh.

Trước đó, Anh đã ký thỏa thuận thương mại toàn diện với Ấn Độ và đạt được một số ưu đãi thuế quan từ Mỹ. EU cũng đang đẩy nhanh đàm phán thương mại với các đối tác như Ấn Độ, đồng thời mở rộng hợp tác với Canada, Úc, Nhật Bản và Singapore.

Các cuộc đàm phán giữa hai bên kéo dài đến tối Chủ nhật. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa dự kiến có mặt tại London sáng thứ Hai. Một nhà ngoại giao EU cảnh báo: “Không có gì được xem là thống nhất cho đến khi mọi thứ được thống nhất”.

Anh kỳ vọng giảm kiểm tra biên giới, nối lại chương trình Erasmus

Trong số các nội dung đang được đàm phán, Anh đặc biệt mong muốn cắt giảm thủ tục và kiểm tra biên giới đối với thực phẩm và nông sản, vốn đang làm chậm đáng kể hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên. Ngoài ra, việc cho phép người Anh sử dụng cổng kiểm soát nhanh (e-gate) tại các sân bay EU cũng là một điểm có thể tạo được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng.

Đổi lại, Anh được cho là sẽ chấp thuận một chương trình di chuyển giới trẻ quy mô hạn chế và có thể tham gia trở lại Erasmus+, chương trình trao đổi sinh viên nổi tiếng của EU. Pháp cũng muốn đạt được một thỏa thuận dài hạn về quyền đánh bắt cá – một trong những vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất trong thời kỳ Brexit.

Biên độ chính trị hạn hẹp

Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã phơi bày những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh, từ nhập cư, chủ quyền, đến thương mại và bản sắc quốc gia. Sau Brexit, nước Anh trải qua một giai đoạn hỗn loạn với năm đời Thủ tướng chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, và quan hệ với Brussels trở nên căng thẳng.

Dù các khảo sát hiện cho thấy phần lớn người dân Anh hối tiếc vì kết quả trưng cầu, họ vẫn không ủng hộ tái gia nhập EU. Nigel Farage – người khởi xướng và cổ vũ Brexit suốt nhiều năm – đang dẫn đầu nhiều cuộc thăm dò dư luận, khiến Thủ tướng Starmer khó có nhiều dư địa chính trị để xoay chuyển mạnh mẽ.

Tuy vậy, mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa ông Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – dựa trên lập trường chung về vấn đề Ukraine – cùng với việc ông không bị vướng vào các tranh cãi Brexit trước đây, đang giúp cải thiện thiện chí giữa hai bên.

'Phá vỡ điều cấm kỵ' để mở rộng hợp tác

Lợi ích kinh tế từ thỏa thuận lần này được đánh giá là hạn chế do cam kết của ông Starmer sẽ không tái gia nhập thị trường chung hay liên minh thuế quan EU. Thay vào đó, Anh muốn đàm phán tiếp cận thị trường sâu hơn trong một số lĩnh vực – điều mà EU thường phản đối, gọi là “chọn quả ngọt” mà không chịu nghĩa vụ như thành viên.

Việc dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với thực phẩm đồng nghĩa với việc Anh phải chấp nhận sự giám sát của EU đối với tiêu chuẩn hàng hóa – điều mà ông Starmer có thể lập luận là cần thiết để giảm chi phí sinh hoạt và hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm.

Thỏa thuận dài hạn về quyền đánh bắt cá chắc chắn sẽ bị Farage và phe bảo thủ phản đối, trong khi Đảng Bảo thủ gọi hội nghị hôm thứ Hai là “hội nghị đầu hàng”.

Một chuyên gia thương mại từng cố vấn cho cả London và Brussels cho rằng, chính phủ Anh cần “phá vỡ điều cấm kỵ” về việc chấp nhận quy định của EU, và nếu điều đó giúp nông dân và doanh nghiệp nhỏ – thì đó là một quyết định khôn ngoan.

Giới phân tích cũng nhấn mạnh rằng, sự tập trung lớn hơn vào quốc phòng khiến thỏa thuận trở nên cân bằng hơn, đồng thời cho rằng cải thiện quan hệ với EU là bước đi hợp lý trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn.

“Trong lúc gián đoạn thương mại trở nên hiển hiện và nghiêm trọng như hiện nay, bất kỳ biện pháp nào giúp giảm ma sát với đối tác thương mại lớn nhất cũng là điều hợp lý,” bà Allie Renison – cựu cố vấn thương mại của chính phủ Anh, hiện làm việc tại công ty tư vấn SEC Newgate – nhận định.

Theo Reuters

>> Kinh tế Nga phát tín hiệu cảnh báo: Tăng trưởng lao dốc, lạm phát vượt tầm kiểm soát?

EU lên án thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh

2 trụ cột của siêu cường châu Á lao đao vì thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/anh-eu-sap-ky-thoa-thuan-lich-su-hau-brexit-142696.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Anh - EU sắp ký thỏa thuận lịch sử hậu Brexit
    POWERED BY ONECMS & INTECH