App thuê xe là mô hình kinh doanh chỉ vừa mới xuất hiện tại Việt Nam. Giá thuê xe của dịch vụ này hiện từ 200.000 - 400.000 đồng cho mỗi 2 tiếng đồng hồ sử dụng.
Ứng dụng thuê xe Sencar là một trong những startup gây ấn tượng mạnh tại tập 9 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 vừa được phát sóng.
Chia sẻ tại Shark Tank, Nguyễn Phúc Lâm – đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sencar cho biết, anh từng có 6 năm kinh nghiệm làm dịch vụ thuê xe tại Canada và đã thoái vốn thành công.
Trở về Việt Nam, Phúc Lâm phát triển startup Sencar cùng một đồng sáng lập khác có kinh nghiệm xây dựng hệ thống cho Socar – một công ty “kỳ lân” đã IPO năm 2022.
Theo giới thiệu của nhà sáng lập Phúc Lâm, Sencar là một mô hình chuyển đổi số dành cho xe tự lái. Ứng dụng này giúp người dùng thỏa mãn ước mơ ngồi sau “vô lăng” với mức chi phí thấp.
“Việc thuê xe rất đơn giản, chỉ với 3 thao tác tìm kiếm xe, đặt xe và tới nơi đỗ rồi mở khóa thông qua app”, anh Lâm cho biết.
Nêu dẫn chứng từ một báo cáo, nhà sáng lập Sencar cho rằng ngành cho thuê xe tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 tỷ USD. Với tiềm năng đó, Phúc Lâm kêu gọi các “cá mập” Shark Tank đầu tư 300.000 USD cho 10% cổ phần của Sencar.
Để thuyết phục các Shark về mô hình kinh doanh của mình, Phúc Lâm cho biết, trong vòng 2 năm qua, Sencar đã phát triển cả về phần cứng và phần mềm với chi phí chỉ bằng 1/10 so với các giải pháp hiện tại trên thế giới.
Các chức năng chính của Sencar là đóng mở cửa xe qua ứng dụng, xem camera hành trình, ứng dụng cũng có hệ thống an ninh không cho khởi động xe để bảo đảm tài sản. Để chuẩn bị một chiếc xe cho thuê với các hệ thống IoT như vậy, startup cần đầu tư khoảng 110 USD (2,6 triệu đồng) trên mỗi chiếc xe.
Ban đầu, chiến lược của Sencar là sở hữu mọi chiếc xe, tuy nhiên startup hiện đang chuyển hướng sang việc đi thuê để tăng số lượng xe nhanh chóng. Đến thời điểm hiện tại, Sencar có khoảng 20 chiếc xe trên hệ thống tại TP.HCM, trong đó khoảng 50% thuộc sở hữu của Sencar, còn lại là đi thuê.
Mô tả về hiệu quả kinh doanh, Phúc Lâm chia sẻ, giá thuê xe của Sencar là 200.000 - 400.000 đồng cho mỗi 2 tiếng sử dụng. Giá thuê sẽ được tính toán tùy vào phân khúc xe.
“Một chiếc xe ô tô cỡ nhỏ có giá từ 250-300 triệu đồng có thể mang về cho Sencar khoảng 9-10 triệu đồng/tháng, lợi nhuận lên đến 40%/năm. Sencar cam kết mang lại từ 20 - 25% lợi nhuận trên mỗi chiếc xe”, Phúc Lâm nói.
Chia sẻ thêm, nhà sáng lập này cho hay, khách hàng của ứng dụng Sencar sẽ nằm trong độ tuổi từ 20-45, có mức thu nhập khoảng 15 triệu mỗi tháng trở lên. Họ thuê xe với mục đích di chuyển khoảng 30-40km trong thành phố hoặc đi du lịch ở các thành phố lân cận. Để tiếp thị, Sencar sẽ đưa xe vào đặt ở các tòa nhà chung cư để người dân ở đó chia sẻ sử dụng chung tiện ích giống như hồ bơi, phòng gym.
Trước câu chuyện và lời đề nghị đầu tư của startup, Shark Hùng Anh cho rằng, dưới góc độ đầu tư, mô hình ứng dụng thuê xe còn quá sớm để đánh giá hiệu quả nên ông rời khỏi thương vụ này.
Từng tiếp xúc với một startup tương tự, Shark Tuệ Lâm cho biết rào cản của mô hình này tại Việt Nam là nhu cầu thị trường thấp. Cô đã đi hỏi nhiều người và được biết họ chỉ thuê xe trong điều kiện bất khả kháng, khi không thể sử dụng các giải pháp tốt hơn như gọi xe công nghệ, taxi. Vì startup chưa phù hợp khẩu vị đầu tư nên nữ “cá mập” là người tiếp theo từ chối thương vụ.
Shark Bình phân tích đối thủ của Sencar chính là các mô hình cho thuê xe tự lái có thể dễ dàng tìm thấy trên Google. Vì chưa bị thuyết phục bởi tiềm năng thành công của mô hình kinh doanh, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cũng từ chối đầu tư.
“Cá mập” người Thụy Điển - Shark Erik đánh giá Sencar đang có một đối thủ quá mạnh là Bonbon car, trong khi doanh nghiệp này đang theo đuổi mô hình P2P dễ mở rộng hơn. Do đó, ông quyết định không đầu tư vào startup.
Theo Shark Minh, Chủ tịch chuỗi rạp chiếu phim Beta, một khảo sát của Beta Cinemas cho thấy, tỷ lệ khách hàng có bằng lái xe của thương hiệu này rất cao. Nhận định trong tương lai quốc gia nào cũng có mô hình tương tự, do vậy Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 300.000 USD đổi lấy 45% cổ phần của startup.
Phúc Lâm lần lượt nêu ra con số 16% và 20% để đàm phán với Shark Minh Beta nhưng vị “cá mập” này không đồng ý. Sau khi cân nhắc, Phúc Lâm quyết định từ chối đề nghị đầu tư và chấp nhận ra về.
Ngày thế giới kéo đến Việt Nam làm chip không xa vời
Nền tảng Internet nội so kè quyết liệt với Google, Facebook trên sân nhà