Sự thay đổi trong vai trò địa chính trị của châu Âu
Cách tiếp cận của EU đối với Ukraine cho thấy vai trò địa chính trị của châu Âu. Nhưng cuộc xung đột ở Gaza đang bộc lộ sự sụp đổ vị thế trên của EU.
Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế Italy (IAI), Giáo sư tại Viện Đại học châu Âu mới đây nhận định rằng, khi EU chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2024), chúng ta cần phải suy ngẫm về vai trò toàn cầu của khối cũng như những bài học rút ra từ các cuộc chiến tranh và khủng hoảng trong 4 năm qua.
Cụ thể, trong bối cảnh Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen đề ra tham vọng về một “Ủy ban địa chính trị”, được công bố vào đầu nhiệm kỳ của bà, chúng ta cần đánh giá EU toàn cầu đến nay thực sự đã hoạt động như thế nào?
Xét về khía cạnh tích cực, chính sách của EU đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thể hiện tất cả các yếu tố của một chính sách đối ngoại thành công.
Có một thực tế là EU vẫn đoàn kết trong việc theo đuổi mục tiêu của mình liên quan đến xung đột ở Ukraine. Với sự bất đồng trong các cuộc tranh luận nội bộ ở châu Âu, những hậu quả khác nhau từ cuộc xung đột này trên khắp EU và những khác biệt lâu dài trong nhận thức về mối đe dọa quốc gia, đây rõ ràng có thể được coi là một thành công.
Nhưng theo chuyên gia Tocci, tin tốt chỉ có vậy. Từng là hình mẫu điển hình cho “cách tiếp cận tổng hợp đối với xung đột và khủng hoảng”, địa chính trị của EU lần đầu tiên bắt đầu chao đảo ở khu vực Sahel. Hàng loạt cuộc đảo chính trên khắp khu vực đã làm suy giảm cách cách tiếp cận của khối, và với việc Pháp, theo đúng nghĩa đen, bị đẩy khỏi khu vực này, EU không biết phải hành động ra sao.
Sau cuộc đảo chính ở Niger, EU ủng hộ quan điểm của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi, tuyên bố rằng bằng cách làm như vậy, cuối cùng họ đã đi đúng hướng, thực hiện lời tuyên bố của mình về “các giải pháp của châu Phi cho các vấn đề châu Phi”. Nhưng dù khẩu hiệu này nghe có vẻ hấp dẫn nhưng nó lại che giấu một thực tế là khi nói đến Sahel, EU không còn biết mình muốn gì nữa.
Tiếp đó là ở Caucasus, nơi mà về nguyên tắc, EU ban đầu đã có những mục tiêu rõ ràng. Không ai tranh cãi về sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, bao gồm cả khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, nhưng EU đã "bối rối" với biện pháp hiện thực hóa điều này của Baku thông qua cuộc phong tỏa kéo dài 10 tháng và hành động quân sự sau đó.
Tại đây, EU cũng đã sử dụng tất cả những gì mình có: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã dành nguồn lực chính trị đáng kể để làm trung gian hòa giải giữa Yerevan và Baku, và EU đã triển khai một phái bộ giám sát dân sự ở Armenia. Tuy nhiên, các công cụ chính sách đối ngoại của châu Âu ở vùng Kavkaz còn quá yếu để có thể hỗ trợ những mục tiêu của EU.
Không giống như với Ukraine, viện trợ kinh tế của EU trong khu vực còn hạn chế, hỗ trợ quân sự hầu như không có (ngoại trừ từ Pháp). Vì vậy, trong trường hợp ở vùng Caucasus, EU có tầm nhìn nhưng hiện thiếu phương tiện để đạt được tầm nhìn đó.
Cuối cùng và bi thảm nhất là ở Trung Đông. Sự đồng thuận của châu Âu về cuộc xung đột Israel - Palestine đã được xây dựng thận trọng trong nhiều thập kỷ, kể từ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 để tạo thành một công thức hợp lý, cân bằng và tương đối chi tiết về giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967 - một công thức đảm bảo an ninh của Israel, quyền tự quyết của người Palestine, sự tôn trọng và quyền lợi cho tất cả các bên.
Nhưng sự đồng thuận đó đã bị lung lay trong một số thời điểm, khi một số quốc gia thành viên ngày càng nghiêng về phía Israel, do đó Tel Aviv ngày càng từ bỏ giải pháp hai nhà nước một cách rõ ràng hơn.
Trong nhiều năm, EU đã tránh đề cập đến sự đồng thuận đang bị xói mòn của mình, ngầm đồng ý với quan điểm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng vấn đề Palestine có thể bị bỏ qua - một ý tưởng lần đầu tiên được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tán thành thông qua Hiệp định Abraham, sau đó là Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden thông qua nỗ lực bình thường hóa Israel - Saudi Arabia.
Nhưng thảm họa đang diễn ra ở Trung Đông kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas và phản ứng quân sự của Israel đã tiết lộ một sự thật hiển nhiên rằng vấn đề Palestine không thể bị bỏ qua. Nó cũng phơi bày sự thật đau đớn về việc châu Âu đã bị chia rẽ như thế nào.
Ở Trung Đông, châu Âu từng có tầm nhìn - định hướng chính sách có thể đảm bảo hòa bình bền vững. Tuy nhiên hiện tại, trong khi EU vẫn có đòn bẩy kinh tế (đối với người Palestine) và thương mại (với Israel) để hỗ trợ cho tầm nhìn như vậy, họ lại thiếu quyết tâm sử dụng nó. Và một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến "ngọn lửa ở Gaza bùng cháy".
PV
Mô hình nền tảng trở thành ‘nút thắt’ trong Đạo luật AI châu Âu
TikTok cam kết đầu tư 12 tỷ euro xây dựng trung tâm dữ liệu độc lập ở châu Âu