Tuyên bố sốc trong thỏa thuận lớn nhất lịch sử của ông Trump: Nhật rót 550 tỷ USD, Mỹ hưởng 90% lợi nhuận

Thanh Lê 25/07/2025 - 21:58

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã ký kết một thỏa thuận thương mại “lớn nhất trong lịch sử” với Nhật Bản, trong đó Tokyo cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ, áp dụng mức thuế đối ứng 15% và mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp và ô tô Mỹ.

Tối 23/7 (giờ Washington), Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo đã đạt được một bước ngoặt trong đàm phán thương mại với Nhật Bản, sau nhiều tháng bế tắc và đe dọa áp thuế.

“Chúng tôi vừa hoàn tất một thỏa thuận quy mô khổng lồ với Nhật Bản – có lẽ là thỏa thuận lớn nhất từ trước tới nay. Nhật sẽ đầu tư, theo chỉ đạo của tôi, 550 tỷ USD vào Mỹ, và chúng ta sẽ nhận được 90% lợi nhuận. Thỏa thuận này sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm – chưa từng có điều gì tương tự”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Tuyên bố sốc trong thỏa thuận lớn nhất lịch sử của ông Trump: Nhật rót 550 tỷ USD, Mỹ hưởng 90% lợi nhuận - ảnh 1
Ông Trump tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại “lớn nhất lịch sử” với Nhật Bản

Tại buổi tiếp đón các nghị sĩ Cộng hòa ở Nhà Trắng cùng tối hôm đó, ông tiếp tục ca ngợi thỏa thuận này là “thành tựu lịch sử” và là kết quả của quá trình đàm phán căng thẳng giữa hai bên.

Theo CNN, thỏa thuận mới sẽ áp dụng mức thuế đối ứng 15% đối với hàng hóa Nhật nhập vào Mỹ, đồng thời buộc Nhật mở cửa thị trường cho các sản phẩm then chốt từ Mỹ như xe hơi, xe tải, gạo và hàng nông sản.

“Quan trọng nhất, Nhật sẽ mở cửa thị trường cho thương mại, bao gồm xe hơi, xe tải, gạo và một số sản phẩm nông nghiệp khác. Nhật sẽ trả mức thuế đối ứng 15% cho Mỹ”, ông Trump viết thêm.

Tuy nhiên, chi tiết về cơ cấu đầu tư 550 tỷ USD và cách tính lợi nhuận vẫn chưa được Nhà Trắng hoặc chính phủ Nhật Bản công bố chính thức. Không có tài liệu nào được hai bên phát hành vào thời điểm thông báo.

Gạo và xe hơi: Hai điểm nghẽn lớn nhất

Đàm phán thương mại giữa hai nước từng lâm vào bế tắc vì mặt hàng gạo. Chỉ vài tuần trước, Trump đăng trên mạng xã hội rằng: “Họ không chịu mua gạo của chúng ta, trong khi chính họ đang thiếu gạo trầm trọng”.

Năm ngoái, Nhật nhập khẩu 298 triệu USD gạo từ Mỹ, và 114 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Mỹ từ lâu đã phàn nàn về hệ thống phân phối và nhập khẩu thiếu minh bạch của Nhật khiến việc tiếp cận thị trường gặp nhiều trở ngại.

Về ô tô, Trump từng tuyên bố “trong 10 năm không bán nổi một chiếc xe nào cho Nhật.” Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nhập khẩu Ô tô Nhật Bản, nước này đã nhập hơn 16.700 xe sản xuất tại Mỹ trong năm 2024.

Thỏa thuận không bao gồm chi tiêu quốc phòng

Dù từng có đồn đoán rằng Mỹ sẽ gộp vấn đề quốc phòng vào đàm phán thương mại, Nhật khẳng định nội dung này không nằm trong thỏa thuận.

“Thỏa thuận không đề cập đến bất kỳ chi tiêu quốc phòng nào”, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Ryosei Akazawa cho biết hôm 24/7.

Trump trước đó nhiều lần yêu cầu Nhật tăng ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, Tokyo hiện đang phải cân bằng quan hệ thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Trong tháng 6, ông Trump gọi Nhật là “bên đàm phán cứng rắn” và từng gửi thư chính thức cho Thủ tướng Shigeru Ishiba đe dọa áp thuế 30% nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8. Mức thuế đối ứng 24% từng được áp đầu năm nay nhưng tạm hoãn 90 ngày để tránh tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu.

Tối 23/7, Thủ tướng Ishiba xác nhận Mỹ đồng ý giảm thuế nhập khẩu ô tô xuống 15%, và trưởng đoàn đàm phán Akazawa đã đăng ảnh tại Nhà Trắng kèm dòng chữ “Nhiệm vụ hoàn thành”.

Tại Nhật, ông Ishiba đang đối mặt áp lực chính trị lớn sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) mất đa số tại Thượng viện cuối tuần qua. LDP cũng đã mất quyền kiểm soát Hạ viện từ năm ngoái, khiến vị thế lãnh đạo của ông lung lay nghiêm trọng.

Phản ứng thị trường và giới chuyên gia

Chỉ số Nikkei 225 tăng 2% trong phiên sáng 24/7 sau thông tin tích cực về thỏa thuận. Cổ phiếu Toyota, Nissan và Honda đồng loạt tăng, khi truyền thông Nhật cho biết thuế nhập khẩu ô tô sẽ được điều chỉnh giảm.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent – người gặp Ishiba ở Tokyo trước thỏa thuận – cho biết: “Một thỏa thuận tốt thì quan trọng hơn là một thỏa thuận vội. Chúng tôi tin đây là bước tiến tích cực”.

Chuyên gia Mary Lovely từ Viện Peterson nhận định: “Thỏa thuận giúp Nhật tránh nguy cơ bị áp thuế 25%, và có thể giành lợi thế cạnh tranh so với các nhà cung cấp Mỹ khác. Tuy nhiên, Mỹ không dễ bán xe sang Nhật. Việc mở cửa nông sản có thể là thắng lợi cho người tiêu dùng Nhật – nếu họ sẵn sàng ăn gạo California”.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ. Năm 2024, Mỹ nhập 148 tỷ USD hàng hóa từ Nhật, chủ yếu là ô tô, linh kiện và máy móc công nghiệp.

Ngược lại, Mỹ xuất khẩu 80 tỷ USD sang Nhật, bao gồm dầu mỏ, dược phẩm và công nghệ hàng không.

Nhật cũng là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, nắm giữ 1.100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ – một con bài mặc cả không nhỏ trong các cuộc đàm phán thương mại.

Thỏa thuận mới được cho là bước tiếp theo sau hiệp định thương mại mở rộng năm 2019, có hiệu lực từ 2020. Tuy nhiên, lần này Trump theo đuổi cách tiếp cận mạnh tay hơn, lấy thuế quan làm trung tâm, đồng thời tiếp tục gây sức ép lên các đồng minh nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hiện giới quan sát đang chờ văn bản chính thức từ Nhà Trắng và phản hồi chính thức từ phía Nhật trong những ngày tới.

Theo The Economic Times

>> Cựu CEO bỏ xe Tesla chọn BYD, tuyên bố 'không muốn chi thêm đồng nào cho Elon Musk'

Lộ diện 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ nhiều nhất thế giới, châu Á áp đảo chiếm 70%

Sắp khánh thành cây cầu 7.300 tỷ đồng, cao nhất thế giới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tuyen-bo-soc-trong-thoa-thuan-lon-nhat-lich-su-cua-ong-trump-nhat-rot-550-ty-usd-my-huong-90-loi-nhuan-147590.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tuyên bố sốc trong thỏa thuận lớn nhất lịch sử của ông Trump: Nhật rót 550 tỷ USD, Mỹ hưởng 90% lợi nhuận
    POWERED BY ONECMS & INTECH