Phớt lờ EU, 2 quốc gia châu Âu bắt tay Nga triển khai đường ống dài 300km mua dầu Nga
Dự án đường ống dài 300km với công suất 4-5 triệu tấn/năm dự kiến hoạt động từ 2027, nhằm duy trì nguồn cung năng lượng giá rẻ cho Hungary và Serbia trong bối cảnh EU tìm cách cắt đứt hoàn toàn phụ thuộc vào Nga.
Hungary đã công bố tiến độ xây dựng đường ống dẫn dầu mới với Serbia nhằm vận chuyển dầu mỏ Nga, thách thức trực tiếp các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc cắt giảm phụ thuộc năng lượng vào Moscow.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết dự án đang "tiến triển tốt" và khẳng định Budapest sẽ phản đối mọi nỗ lực của Brussels nhằm cắt đứt nguồn cung năng lượng từ Nga.

Theo kế hoạch, đường ống dài 300km với công suất hàng năm 4-5 triệu tấn sẽ cho phép Serbia tiếp nhận dầu Nga thông qua hệ thống đường ống Druzhba, đồng thời biến Hungary thành một trung tâm trung chuyển năng lượng quan trọng.
Thông tin này được ông Szijjarto công bố sau cuộc gặp với Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin và Bộ trưởng Khai khoáng và Năng lượng Serbia Dubravka Dedovic-Handanovic. Theo Bộ trưởng Hungary, tất cả các bên đều ủng hộ dự án dự kiến đi vào hoạt động năm 2027.
"Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác Serbia và Nga để xây dựng đường ống dẫn dầu mới", ông Szijjarto viết trên mạng xã hội X.
Phát biểu với báo giới, ông Szijjarto cáo buộc Brussels đang tìm cách "cắt đứt nguồn cung cấp dầu khí từ Nga, buộc các gia đình Hungary phải trả giá cao gấp 2-4 lần. Chúng tôi không cho phép điều đó xảy ra. Thay vì đóng cửa các nguồn cung, chúng tôi đang mở rộng chúng", ông nhấn mạnh.
Quan điểm này được minh chứng qua số liệu gần đây cho thấy các hộ gia đình Hungary có hóa đơn gas thấp nhất EU với mức 3,20 euro (3,74 USD), trong khi các nước khác như Hà Lan và Thụy Điển lần lượt là 16,71 euro (19,55 USD) và 18,93 euro (22,15 USD).
Dưới thời Thủ tướng Viktor Orbán, Hungary luôn ưu tiên duy trì chi phí năng lượng trong nước ở mức thấp và là một trong những nước chỉ trích gay gắt nhất các lệnh trừng phạt EU đối với ngành năng lượng Nga.
Mặc dù không tiết lộ vai trò cụ thể của Moscow, nhưng Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg tháng trước đã khẳng định Nga sẵn sàng hỗ trợ xây dựng và cung cấp dầu cho dự án này.
Động thái của Hungary và Serbia diễn ra trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ Nga cho EU giảm mạnh do các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine. EU đã áp đặt lệnh cấm vận dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển từ năm 2023 và thiết lập giá trần đối với dầu mỏ Nga.
Theo kế hoạch RePowerEU, Brussels đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2028.
Hãng thông tấn nhà nước Hungary MTI cho biết dự án đường ống có thể đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2027 đã được thảo luận trong cuộc họp video giữa ông Szijjártó, Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin và Bộ trưởng Năng lượng Serbia Dubravka Đedović.
Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, từ lâu đã phản đối các biện pháp trừng phạt của EU và gần đây đã chặn các lệnh trừng phạt mới nhắm vào ngành năng lượng Moscow. Tuy nhiên, Budapest đã dỡ bỏ quyền phủ quyết vào tháng 7 sau khi được EU miễn trừ.
Gói trừng phạt thứ 18 của EU bao gồm việc áp đặt giá trần linh hoạt đối với dầu thô Nga và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu được chế biến từ dầu thô Nga thông qua các nước thứ ba.
Về phần mình, Moscow lên án các lệnh trừng phạt phương Tây là "bất hợp pháp và phản tác dụng", đặc biệt các biện pháp nhắm vào năng lượng. Nga viện dẫn việc giá cả tăng vọt ở EU và cảnh báo khối này cuối cùng sẽ phải chuyển sang các giải pháp thay thế đắt đỏ hơn hoặc nhập khẩu gián tiếp từ Nga thông qua trung gian.
Tham khảo Tassim News, Pipeline Technology Journal
>> ‘Nói một đằng, làm một nẻo’: Châu Âu vẫn mạnh tay nhập khẩu khí đốt Nga để cứu lấy nền kinh tế
Vừa cam kết đoạn tuyệt, một quốc gia EU tuyên bố tiếp tục nhập 100% khí đốt Nga
Tuyên bố cắt khí đốt Nga nhưng lại tăng nhập gấp đôi: EU đau đầu với một thành viên trụ cột