Thế giới

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới thời Trump 2.0: Nguy cơ đình trệ toàn cầu hóa và suy thoái kinh tế?

Thanh Lê 20/04/2025 11:30

Thị trường tài chính đã có dấu hiệu chao đảo, trong khi các chính phủ trên thế giới lo ngại chính sách này có thể gây suy thoái kinh tế Mỹ và kéo theo sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp công bố các mức thuế quan đối ứng với mọi quốc gia, gọi đây là “tuyên ngôn độc lập kinh tế” của nước Mỹ - một động thái được cho là có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu ở mức độ rộng lớn hơn so với Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930, vốn được xem là bài học cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới thời Trump 2.0: Nguy cơ đình trệ toàn cầu hóa và suy thoái kinh tế? - ảnh 1
Thuế quan của ông Trump đang làm dấy lên nỗi lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ và sự suy thoái toàn cầu

Chủ nghĩa bảo hộ không phải là một hiện tượng mới trong lịch sử kinh tế. Trải qua hàng thế kỷ, đây vẫn là một công cụ quan trọng được nhiều chính phủ sử dụng nhằm bảo vệ nền kinh tế nội địa khỏi làn sóng cạnh tranh từ bên ngoài.

Sau Thế chiến thứ II, dưới sự dẫn dắt của Mỹ và các đồng minh, thế giới đã chứng kiến một làn sóng tự do hóa thương mại mạnh mẽ thông qua hàng loạt hiệp định song phương và đa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại đầy biến động, những lo ngại về an ninh quốc gia, bất bình đẳng thương mại và quyền lực kinh tế đã thổi bùng sự hồi sinh của chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt nổi bật dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngay từ những tháng đầu của nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump đã áp dụng các biện pháp thuế quan cứng rắn, tạo ra làn sóng căng thẳng thương mại trên toàn cầu. Và đến nhiệm kỳ thứ hai – Trump 2.0, xu hướng này không những không hạ nhiệt mà còn được đẩy lên một cấp độ mới với các chính sách thương mại đầy tính đối đầu.

Câu hỏi đặt ra là: Trump 2.0 có thể định hình lại cục diện thương mại quốc tế như thế nào?

Về bản chất, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch bao gồm một tập hợp các chính sách nhằm hạn chế hoạt động thương mại xuyên biên giới để bảo vệ lợi ích kinh tế trong nước. Những chính sách này có thể dưới hình thức thuế quan – là mức thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu, nhằm tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của chúng so với hàng nội địa; hoặc phi thuế quan – như hạn ngạch nhập khẩu, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và trợ cấp chính phủ.

Hạn ngạch giới hạn số lượng hàng hóa có thể được nhập khẩu trong một khoảng thời gian nhất định, trong khi các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường hay an toàn có thể được thiết kế như những hàng rào kỹ thuật nhằm chặn đứng hàng hóa nước ngoài.

Trợ cấp cho các doanh nghiệp nội địa lại là cách gián tiếp tạo lợi thế cạnh tranh thông qua ưu đãi tài chính, thuế hoặc vốn. Những công cụ này, dù được sử dụng khéo léo hay công khai, đều mang mục tiêu thúc đẩy sản xuất nội địa, cải thiện cán cân thương mại và bảo vệ chủ quyền kinh tế.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới thời Trump 2.0: Nguy cơ đình trệ toàn cầu hóa và suy thoái kinh tế? - ảnh 2
Ông Trump cho rằng nước Mỹ đã bị thiệt thòi trong suốt nhiều thập kỷ

Chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ hai cho thấy một sự trở lại mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, chính quyền Trump chủ trương giảm thâm hụt thương mại bằng cách áp đặt hàng loạt biện pháp thuế quan nhằm vào các đối tác thương mại lớn.

Ngày 3/2, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế bổ sung 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với lý do Trung Quốc không thực hiện đầy đủ các cam kết thương mại.

Đáp trả, Trung Quốc ngày 10/2 công bố gói thuế trả đũa từ 10-15% lên 80 mặt hàng Mỹ, đồng thời hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng và đưa nhiều doanh nghiệp Mỹ vào danh sách đen. Những động thái này đã kích hoạt một cuộc chiến thương mại phiên bản 2.0, gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, giảm lựa chọn cho người tiêu dùng và làm gia tăng bất ổn trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Không dừng lại ở Trung Quốc, chính quyền Trump còn nhắm đến các đồng minh truyền thống như EU và Nhật Bản.

Ngày 12/3, Mỹ tái áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Liên minh châu Âu (EU) lập tức đáp trả bằng các biện pháp thuế lên hàng hóa Mỹ trị giá 28,4 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật Bản phải đàm phán để được miễn trừ thuế và đồng ý tăng đầu tư vào Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD cùng với cam kết nhập khẩu hàng hóa Mỹ.

Mới đây nhất, ngày 2/4, phát biểu tại Rose Garden (Nhà Trắng), ông Trump đã tuyên bố sẽ áp mức thuế tối thiểu 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời áp thêm thuế suất cao hơn đối với khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ.

Bên cạnh các biện pháp thuế quan, chính quyền Trump cũng thực hiện cải tổ các thể chế và hiệp định thương mại quốc tế. Việc thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bằng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) phản ánh nỗ lực điều chỉnh luật chơi để có lợi hơn cho ngành sản xuất và nông nghiệp nội địa Mỹ.

Tuy nhiên, việc Mỹ áp dụng thuế quan đối với hàng hóa từ Canada và Mexico lại đi ngược lại tinh thần tự do thương mại được đề ra trong USMCA. Đồng thời, chính quyền Trump gia tăng sức ép lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là Cơ quan Phúc thẩm, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, mà Mỹ cáo buộc là thiên vị và hoạt động vượt thẩm quyền.

Khi WTO không thể đáp ứng yêu cầu cải cách, chính quyền Trump đe dọa rút khỏi tổ chức này trước cuối năm 2025, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng toàn diện của hệ thống thương mại toàn cầu.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), số lượng rào cản thương mại đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2019, và sự phân mảnh nếu kéo dài có thể làm giảm 7% sản lượng kinh tế toàn cầu, tương đương GDP của cả Đức và Pháp cộng lại.

“Nhiều quốc gia đã thử phát triển kinh tế bằng cách dựng lên các rào cản thuế quan lớn, nhưng điều đó chưa bao giờ hiệu quả,” Simon Johnson, nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khẳng định. “Chủ nghĩa bảo hộ không phải là một chiến lược tốt, và chúng ta đã thấy điều đó nhiều lần trong lịch sử”.

>> Máy ATM nhả ra vàng gây sốt, người dân xếp hàng xuyên đêm lấy tiền: Chuyện gì đang xảy ra?

Biểu tình rầm rộ phản đối Tổng thống Trump khắp nước Mỹ

Thương chiến Mỹ-Trung sắp tạm lắng?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/su-troi-day-cua-chu-nghia-bao-ho-thuong-mai-duoi-thoi-trump-20-nguy-co-dinh-tre-toan-cau-hoa-va-suy-thoai-kinh-te-139733.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới thời Trump 2.0: Nguy cơ đình trệ toàn cầu hóa và suy thoái kinh tế?
    POWERED BY ONECMS & INTECH