Thế giới

Chuyên gia cảnh báo thuế quan giáng một 'đòn phong tỏa toàn diện' vào Trung Quốc, GDP có thể giảm sâu

Thanh Lê 19/04/2025 - 15:25

Thuế quan mới của ông Donald Trump có thể gây ra ‘cú sốc’ kinh tế lớn hơn cho Trung Quốc so với cuộc chiến thương mại trước đây.

Các mức thuế mới cao chót vót mà ông Trump tuyên bố áp dụng với Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng GDP của nước này giảm tới 2,4 điểm phần trăm vào năm 2025, theo Citigroup. Đánh giá này được đưa ra trước khi tính đến bất kỳ biện pháp đối phó nào từ phía Bắc Kinh.

Các nhà kinh tế từ BNP Paribas, Societe Generale SA, Oversea-Chinese Banking Corp và ING Bank dự báo mức ảnh hưởng từ 1-2 điểm phần trăm. Tháng trước, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tham vọng khoảng 5% trong năm nay.

Chuyên gia cảnh báo thuế quan giáng một 'đòn phong tỏa toàn diện' vào Trung Quốc, GDP có thể giảm sâu - ảnh 1
Thuế quan của Mỹ là ‘cú sốc’ tồi tệ hơn nhiều đối với Trung Quốc so với cuộc chiến thương mại đầu tiên

“Cú sốc thuế quan từ Mỹ lần này sẽ lớn hơn và lan rộng hơn so với giai đoạn 2018-2019”, nhóm chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley do Robin Xing dẫn đầu cho biết. “Ngoài tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, ảnh hưởng gián tiếp cũng sẽ đáng kể, do việc Mỹ tăng thuế trên diện rộng với các đối tác thương mại khác có thể làm chậm lại thương mại toàn cầu”.

Một đợt suy giảm nghiêm trọng có thể buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải tung ra thêm các gói kích thích. Một số nhà kinh tế cho rằng điều này có thể bao gồm việc chi thêm vài nghìn tỷ NDT từ ngân sách chính phủ hoặc tăng cường cung tiền cho các ngân hàng.

Các quan chức cấp cao Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng hành động để giảm thiểu tác động từ bên ngoài.

“Nếu cần thiết, Trung Quốc có thể dễ dàng phát hành thêm từ 1-2.000 tỷ NDT trái phiếu chủ quyền đặc biệt”, Serena Zhou, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities Asia, nhận định.

Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch phát hành 1,3 nghìn tỷ NDT (tương đương 179 tỷ USD) trái phiếu siêu dài hạn trong năm nay, sử dụng một phần số tiền thu được để trợ cấp mua hàng tiêu dùng.

Căng thẳng thương mại leo thang có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc đúng vào thời điểm tăng trưởng đang có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2025, với ít tác động rõ ràng từ các đợt tăng thuế trước đó.

Động lực phục hồi đã khiến ít nhất 7 ngân hàng quốc tế, bao gồm Morgan Stanley và Citigroup, nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2025 trong tháng qua. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan này có thể bị lung lay sau thông báo thuế mới nhất, đe dọa mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay nếu không có thêm các chính sách kích thích.

Chuyên gia cảnh báo thuế quan giáng một 'đòn phong tỏa toàn diện' vào Trung Quốc, GDP có thể giảm sâu - ảnh 2
Số liệu Chỉ số tổng hợp SSE tại Thượng Hải vào ngày 3/4

“Tác động từ thuế quan có thể bắt đầu thể hiện từ quý II năm 2025”, các nhà kinh tế tại Citigroup, bao gồm Yu Xiangrong, viết trong một báo cáo hôm thứ Năm. “Chúng tôi hiện thấy rủi ro suy giảm từ 50-100 điểm cơ bản so với dự báo tăng trưởng 4,7% GDP, tùy thuộc vào các gói kích thích bổ sung”.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp vào cuối tháng 4 và tháng 7 để thảo luận về triển vọng kinh tế và các chính sách, đây có thể là những thời điểm Bắc Kinh công bố các điều chỉnh chính sách quan trọng.

Một trong những biện pháp kích thích có thể là cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các ngân hàng, giúp giải phóng nguồn vốn để cho vay hoặc đầu tư. Các nhà phân tích cho rằng đây là một phản ứng có thể xảy ra từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đối với đợt tăng thuế lớn của Mỹ.

NHTW Trung Quốc được dự báo sẽ cắt giảm RRR thêm 0,25 điểm phần trăm ngay trong tháng này, tiếp theo là giảm lãi suất repo nghịch đảo kỳ hạn 7 ngày xuống 10 điểm cơ bản vào tháng 5. Dự báo trong năm nay, Trung Quốc có thể cắt giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản RRR và giảm lãi suất 30 điểm cơ bản.

“Chúng tôi cho rằng khả năng cắt giảm RRR trong tháng 4 đang tăng lên, do nhu cầu bơm thanh khoản cũng như hỗ trợ tâm lý thị trường”, Zhi Xiaojia, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Credit Agricole CIB ở Hồng Kông, nhận định.

Một điểm tích cực đối với Trung Quốc là nhiều đối tác thương mại khác của Mỹ cũng đang phải đối mặt với các đợt tăng thuế mạnh. Điều này có thể thu hẹp khoảng cách về thuế quan giữa Trung Quốc và một số đối thủ thương mại như Việt Nam. Do đó, việc thay thế hàng hóa Trung Quốc bằng hàng nhập khẩu từ các nước khác có thể trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm phần nào tác động tiêu cực đối với Trung Quốc.

Điều này đồng nghĩa với việc tác động cuối cùng của các biện pháp thuế quan đối với xuất khẩu và nền kinh tế Trung Quốc vẫn khó có thể định lượng chính xác.

“Tình hình lần này phức tạp hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump”, Tommy Xie, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô châu Á tại Oversea-Chinese Banking Corp, nhận xét. “Cuối cùng, chi phí thực tế đối với nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào giới hạn của việc thay thế hàng hóa, hơn là chỉ số thuế quan danh nghĩa”.

>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi hơn 8 tỷ USD mua vũ khí Mỹ để ‘dọn đường’ đàm phán thuế quan

Phút vắng mặt 'định mệnh': Cố vấn thân tín không có mặt, chính sách thuế quan của ông Trump lập tức đảo chiều

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi hơn 8 tỷ USD mua vũ khí Mỹ để ‘dọn đường’ đàm phán thuế quan

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chuyen-gia-canh-bao-thue-quan-giang-mot-don-phong-toa-toan-dien-vao-trung-quoc-gdp-co-the-giam-sau-139672.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia cảnh báo thuế quan giáng một 'đòn phong tỏa toàn diện' vào Trung Quốc, GDP có thể giảm sâu
    POWERED BY ONECMS & INTECH