Đầu tư công được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế và kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan toả đến nhiều ngành nghề khác như xây dựng, bất động sản,...
Vào tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công với kế hoạch giải ngân tới 790.000 tỷ đồng trong năm 2023. Đánh giá đầu tư công được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn, nhóm chuyên gia Mirae Asset (MAS Research) đã đưa ra những nhận định cụ thể về tình trạng giải ngân và sự ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm ngành trong năm 2023.
Ông nhận định ra sao về tình hình đầu tư công? Liệu trạng thái không thể giải ngân vốn đầu tư có tiếp tục diễn ra vào năm 2023?
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang chững lại do nhiều thách thức về lạm phát cũng như địa chính trị, chúng tôi tin Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023 để không chỉ hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam (chiếm gần 10% GDP danh nghĩa), mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam thu hút FDI trong bối cảnh tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý, theo kế hoạch cân đối ngân sách năm 2023 của Bộ Tài Chính, Việt Nam sẽ tăng chi tiêu cho đầu tư và phát triển, với mức dự toán năm 2023 là gần 727 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 38% so với mức dự toán năm 2022).
Đầu tư công đang được thúc giục tái khởi động nhưng cổ phiếu ngành thép, xi măng… vẫn chưa bứt phá mạnh mẽ trở lại. Theo ông, năm 2023 có cơ hội nào cho cổ phiếu ngành thép, xi măng?
Về ngành xi măng, tại thị trường nội địa, triển vọng doanh thu sẽ tương đối khó khăn dưới ảnh hưởng của ngành Bất động sản. Đối với mảng xuất khẩu, chúng tôi kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ dần nhập khẩu lại sau một thời gian dài đóng cửa sẽ bù bắp phần nào cho các thị trường xuất khẩu truyền thống như Sri Lanka, Bangladesh hay Philippine.
Nhìn chung, chúng tôi đánh giá sản lượng ngành xi măng 2023 sẽ theo chiều hướng giảm, tuy nhiên, tốc độ giảm sẽ ở mức nhẹ nhàng hơn so với 2022. Yếu tố cần theo dõi nằm ở giá than cốc (chiếm 35% chi phí sản xuất xi măng).
Chúng tôi kỳ vọng giá than năm 2023 sẽ hạ nhiệt về mức USD140 – 150/tấn (-22% YoY) nhờ Châu Âu đã tích trữ đủ khí LNG cho mùa đông và nguồn cung từ các nhà cung cấp lớn như BHP hay Tinto Rio đã quay lại tăng trưởng. Qua đó, biên lợi nhuận gộp cả ngành xi măng dự phóng được cải thiện 1-2 điểm % trong 2023.
Trong ngành xi măng, chúng tôi đánh giá cao HT1 với lợi thế về nguồn nguyên liệu thô, thương hiệu mạnh và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh tốt.
Đối với ngành thép, lợi nhuận toàn ngành thép trong Q4/2022 sẽ tiếp tục ở mức thấp hoặc lỗ do giá thép trong nước đã giảm 20% từ đỉnh T4/2022.
Ngoài ra, năm 2022 yếu tố biến động lớn về tín dụng và sự tăng giá của nguyên vật liệu cũng ảnh hưởng ngành Bất động sản và giải ngân đầu tư công 11T2022 chỉ đạt 58,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, khiến sản lượng tiêu thụ thép nội địa suy giảm. Chúng tôi ước tính sản lượng thép tiêu thụ toàn ngành năm 2022 chỉ đạt 27 triệu tấn (-12,5% YoY).
Ngược lại với xi măng, ngành thép đối diện nhiều rủi ro xuất khẩu hơn khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Trừ phôi thép, chúng tôi đánh giá mảng xuất khẩu các sản phẩm còn lại của ngành thép như ống thép, tôn mạ sẽ gặp nhiều cạnh tranh trong năm 2023.
Tuy nhiên, chúng tôi ước tính lượng hàng tồn kho giá cao đã giảm nhiều trong Q3/2022. Chúng tôi dự phóng đến hết Q1/2023, hầu hết các công ty thép sẽ hoàn tất bán các hàng tồn kho giá cao, và có khả năng ghi nhận lợi nhuận dương trở lại.
Lợi nhuận ngành trong 2023 dự kiến chỉ ở mức 50% so với giai đoạn đỉnh cao Q4/2020 – Q1/2022, tuy nhiên, theo góc nhìn tích cực thì thời điểm khó khăn nhất đang dần qua đi và lợi nhuận ngành kỳ vọng ghi nhận dương trở lại từ Q1/2023.
Đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023 cũng là yếu tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam thu hút FDI trong bối cảnh tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong vài năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến tiềm năng đối với các nhà sản xuất đa quốc gia, theo đó, khu công nghiệp được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhất từ quá trình dịch chuyển, nhất là đối với những doanh nghiệp còn nhiều quỹ đất cho thuê. Nhóm chuyên gia Mirae Asset cũng đưa ra quan điểm đối với ngành này trong thời gian tới.
Nhiều ông lớn như Samsung, Heineken, Foxconn, LG... tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Liệu điều này có xảy ra trên diện rộng và cổ phiếu khu công nghiệp có thêm một chu kỳ bứt phá lớn?
“Cá mập” đầu tư vào Việt Nam |
Chúng tôi đánh giá ngành bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) vẫn tiềm năng trong giai đoạn tới, giữa bối cảnh Việt Nam đang là điểm thu hút đầu tư các doanh nghiệp nước ngoài bên cạnh sự dịch chuyển của các nhà máy lớn theo chính sách “Trung Quốc +1”. Việc các ông lớn như Samsung, Heineken, Foxconn, LG... tiếp tục rót vốn đầu tư vào VN sẽ thúc đẩy được nhu cầu đất công nghiệp không chỉ từ các doanh nghiệp chính mà bao gồm cả những doanh nghiệp vệ tinh theo chuỗi cung ứng.
Để đánh giá cổ phiếu nào được hưởng lợi, cần xem xét thêm ngành nghề hướng đến của từng dự án, cũng như địa điểm dự án có thể triển khai. Đối với những dự án thuộc về lĩnh vực linh kiện điện tử, chúng tôi cho rằng khu vực miền Bắc sẽ phù hợp khi liên quan đến chuỗi cung ứng của Trung Quốc, cũng như hệ thống cung ứng sẵn có nội địa. Đối với những dự án sản xuất, tiêu dùng như Heineken, xu hướng lại về các KCN phía Nam để tối ưu được chi phí logistic cho tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.
Các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất cho thuê còn trống ở các khu vực kinh tế trọng điểm Bắc – Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng này như IDC, VGC, KBC, …. Ngoài ra theo chúng tôi, các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư tại Việt Nam cũng sẽ ưu tiên các khu vực nhà máy cũ trước đó để có thể tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có. Vì vậy, chúng tôi cho rằng những nhà phát triển KCN đã từng hợp tác với những doanh nghiệp lớn này sẽ có lợi thế, trong trường hợp sẵn có về quỹ đất sẵn sàng cho thuê.
Mirae Asset dự báo Vinhomes (VHM) đạt hơn 17.000 tỷ lợi nhuận quý IV, mức cao nhất trong lịch sử
Lãnh đạo Mirae Asset: Chuyển đổi số và quản lý tài sản chuyên nghiệp là thích nghi bắt buộc của CTCK