Theo luật sư của bà Trương Mỹ Lan, dù mắc nhiều bệnh nhưng được dùng đủ thuốc nên sức khỏe của bà tốt, tinh thần ổn định, đồng thời cam kết khắc phục hậu quả vụ án.
Bà Trương Mỹ Lan là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, từng được biết đến là một nữ doanh nhân, tỉ phú. Gia tộc của bà là một trong những gia tộc giàu có nhất Việt Nam.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát).
>> Nhiều dự án của Vạn Thịnh Phát vào "tầm ngắm" Thanh tra Chính phủ
Từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực".
Bà Lan dùng "quyền lực" đó để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Tháng 10/2022, nhiều người bất ngờ trước thông tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt. Mọi người còn “sốc” hơn nữa trước những con số xuất hiện trong bản kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát.
Các đơn vị cho vay thuộc Ngân hàng SCB được thành lập chỉ để phục vụ cho các mục đích giải ngân tiền cho bà Trương Mỹ Lan.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 6/2020- 6/2022, 3 đơn vị cho vay đã lập hồ sơ, giải ngân tiền cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm 296 khách hàng với 396 khoản vay. Tính đến ngày 17/10/2022, có 185.183 tỷ nợ gốc và 27.542 tỷ nợ lãi/phí; tổng số nợ là 212.725 tỷ đồng.
Do SCB thường xuyên bị kiểm tra, giám sát, thanh kiểm tra tình hình hoạt động nên để không bị phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm, bà Trương Mỹ Lan sẵn sàng chi tiền để mua chuộc cán bộ, lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại SCB để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo không trung thực, đầy đủ.
Với hành vi phạm tội của mình, hôm nay (5/3), bà Trương Mỹ Lan bị đưa ra xét xử về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 353 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Từng được mệnh danh là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam, đứng trên đỉnh cao giàu sang, nay bà Trương Mỹ Lan phải đối diện 3 tội danh, trong đó có tội “Tham ô tài sản” với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan mắc nhiều bệnh, phải dùng gần 10 loại thuốc mỗi ngày. Thế nhưng luật sư của bà Lan là ông Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, sức khỏe của bị cáo rất tốt; bệnh xá và bác sỹ của trại tạm giam không lúc nào để bà Lan bị thiếu thuốc. Khi sắp hết thuốc mà gia đình chưa kịp gửi, phía trại thông sẽ báo cho luật sư gửi bổ sung. Về tinh thần, bà Lan ổn định, không than phiền, đổ lỗi, oán trách ai.
Theo luật sư Thanh, dù vẫn còn một số vấn đề chưa đồng nhất với quan điểm buộc tội của cơ quan tố tụng, nhưng bà Trương Mỹ Lan bày tỏ việc tự nguyện mang tất cả tài sản hợp pháp của mình cũng như vận động gia đình, kêu gọi bạn bè giúp đỡ để đảm bảo giải quyết triệt để các vấn đề về tài chính, kinh tế liên quan đến hậu quả vụ án (trong trường hợp Tòa án phán quyết bà Lan có tội và có trách nhiệm bồi thường, khắc phục).
Cũng theo luật sư, bà Lan khẳng định, với điều kiện kinh tế, với uy tín và khả năng của bản thân, nếu Tòa án phán quyết bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả nào, bà đều sẽ giải quyết được đầy đủ, trọn vẹn.
Được biết, cơ quan điều tra đã kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Trương Mỹ Lan; kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu.
Ngoài ra, hàng chục tài sản là phương tiện như du thuyền, tàu, ô tô cùng rất nhiều cổ phần của bà Trương Mỹ Lan cũng bị kê biên.
>> Novaland (NVL) và nhóm Vạn Thịnh Phát đáo hạn 9.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 7