Tác động từ việc hạ lãi suất điều hành lần thứ tư của Ngân hàng Nhà nước

17-06-2023 15:05|NGUYỄN MINH TUẤN, CEO AFA Capital

Mục tiêu lớn nhất của NHNN là hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát thấp, đặc biệt lãi suất tiết kiệm giảm sẽ giúp dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh hoặc nắn sang thị trường tài chính.

Trong tuần này, có hai điểm chúng ta cần phải quan tâm và đã xảy ra đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất và quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một quyết định rất nhanh nhưng cũng cần xem xét kỹ lưỡng.

fed.jpeg
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định ngừng tăng lãi suất

Thứ nhất, Fed đã công bố việc giữ nguyên lãi suất ở mức 5,0 - 5,25%, đằng sau đó đều có bảng phân tích chi tiết, nhưng rất ít người đi sâu vào các thông tin này mà chỉ hay nhắc đến kết quả. Một điều đáng chú ý là, trong năm nay Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản nữa và đường trung bình lãi suất ở mức 5,5 - 5,75%.

Thêm vào đó, lãi suất sẽ giảm trong năm 2024 nhưng vẫn ở mức cao, nghĩa là sẽ có tốc độ dừng, sau đó tăng nhẹ và lãi suất nếu giảm sẽ vẫn ở vùng 4,25 - 4,5%.

Chúng ta cũng cần nhớ rằng đây không phải quyết định chính thức, mà mỗi kỳ họp họ sẽ xem lại đánh giá tình hình kinh tế và đưa ra dự phóng về lãi suất, nên sẽ không có chắc chắn rằng lãi suất sẽ tăng 50 điểm hay bất kỳ điểm nào trong tương lai.

Về dự phóng, các thành viên của FOMC đã lạc quan hơn so với tháng 3 về kinh tế Mỹ trong năm 2023, cụ thể là tỷ lệ thất nghiệp sẽ neo ở mức thấp hơn vì lạm phát lõi và thị trường lao động vẫn neo cao. Đồng thời các kỳ vọng Mỹ sẽ phục hồi trong năm 2024 – 2025, như vậy dẫn đến thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 7/2023 và giữ nguyên đến hết năm.

Thực tế, các yếu tố này vẫn tiếp tục thay đổi theo thị trường. Tuy nhiên trong tuần vừa qua khi Fed dừng tăng lãi suất, ở thị trường châu Âu, các ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục tăng 25 điểm cơ bản do lạm phát ở mức cao, còn ngân hàng trung ương nhật Bản vẫn duy trì nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy kinh tế.

Điều đó cho thấy các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang có những chính sách tiền tệ đối lập nhau. Nếu nhìn sang quốc gia bên cạnh Việt Nam là Trung Quốc họ cũng đang tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Vậy có vẻ như khu vực châu Á bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và đến nay là Việt Nam đang trong chu kỳ này.

Thứ hai, là việc NHNN Việt Nam giảm lãi suất điều hành lần thứ tư gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và đặc biệt là trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 - 6 tháng, điều này dẫn đến một điểm cần lưu ý đó là các quốc gia trong khu vực đang tập trung vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn là chính sách tỷ giá và lạm phát.

ty-gia-hom-nay.jpeg
Năm nay tỷ giá không phải là vấn đề quan tâm quá lớn của Việt Nam, mà chúng ta cần tập trung vào việc hạ lãi suất

Mọi người bắt đầu phải xem đến vấn đề về tăng trưởng, cụ thể như ở Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề chúng ta cần tập trung không phải là chống lạm phát mà năm nay phải hướng vào tăng trưởng. Để tăng trưởng thì cần một nền lãi suất thấp giúp các doanh nghiệp với các khoản nợ mới và cả nợ cũ sẽ giảm bớt áp lực.

Câu hỏi đặt ra là chính sách như vậy có ngược không? Thực tế là có, vì khi chính sách tiền tệ ngược với các đối tác thương mại lớn thì đâu đó sẽ có sức ép về tỷ giá ở Việt Nam. Song theo góc nhìn của tôi, năm nay tỷ giá không phải là vấn đề quan tâm quá lớn, mà chúng ta cần tập trung vào việc hạ lãi suất nhưng điều quan trọng là việc đó có thực sự hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hay không.

Về cơ sở hạ lãi suất của NHNN, chúng ta cần nhìn rất kỹ vào các điều kiện trên thị trường như: Một là, ý chí của cơ quan điều hành, có thể thấy lãi suất tín phiếu từ tháng 3, NHNN đã không hút tiền về nữa khiến thanh khoản hệ thống dồi dào hơn. Hai là, điều đó dẫn đến lãi suất phát hành OMO, NHNN can thiệp để lãi suất không vượt quá trần lãi suất, cụ thể lãi suất liên ngân hàng không vượt quá 5%, khiến lãi suất hạ xuống.

Ba là, các lãi suất dài hạn cũng đang xuống rất thấp, bắt đầu từ thời điểm tháng 3, nền chung của các lãi suất dài hạn ở mức 4% nhưng hiện nay nền chung của các mức lãi suất 1 năm, 3 năm và 5 năm đều ở dưới mức 3% thậm chí 2,5%. Nghĩa là thanh khoản của thị trường thực sự đã hỗ trợ cho NHNN hạ lãi suất điều hành  mà việc này đã bắt đầu từ tháng 3. Song một phần thanh khoản dồi dào còn là do ngân hàng không giải ngân được tín dụng, điển hình là các con số tăng trưởng tín dụng rất thấp.

Có thể nói, năm nay NHNN đã sử dụng hầu như hết các công cụ của mình với tốc độ phản ứng rất nhanh trong việc hạ lãi suất điều hành, đặc biệt hạ lãi suất điều hành của lãi suất huy động. Theo tôi sẽ có hai tác động khi hạ lãi suất tiết kiệm là dòng tiền cá nhân sẽ chỉ có hai hướng, quay trở lại sản xuất kinh doanh hoặc nắn sang phía thị trường tài chính bao gồm cổ phiếu và trái phiếu.

Điểm tiếp theo là mục tiêu lớn nhất của năm nay vẫn là tăng trưởng trong bối cảnh chỉ số lạm phát không còn đe dọa nữa. Nhìn sang Trung Quốc sẽ thấy quốc gia này không chỉ không lạm phát mà còn đang phải đối diện với quá trình giảm phát. Thông thường chúng ta rất sợ lạm phát, nhưng giảm phát cũng sẽ là một nguy cơ cần phải tính trong thời gian tới. Vì điều đó nguy hiểm không khác gì lạm phát.

Liệu ngân hàng Việt Nam còn dư địa hạ lãi suất hay không, thì tôi cho rằng, năm nay mọi người sẽ làm hết sức để hỗ trợ tăng trưởng đặc biệt là tăng trưởng GDP.

Giá kim loại đồng ngày 20/11: tăng giá nhẹ khi đà tăng của đồng USD dừng

Giá thép hôm nay 20/11: thép kỳ hạn đều tăng giá

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/tac-dong-tu-viec-ha-lai-suat-dieu-hanh-lan-thu-tu-cua-ngan-hang-nha-nuoc-245929.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tác động từ việc hạ lãi suất điều hành lần thứ tư của Ngân hàng Nhà nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH