Tạm dừng dùng thép VAS cho cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang: Không do chất lượng thép?
Đơn vị tư vấn giám sát đề nghị yêu cầu liên danh nhà thầu dừng ngay sử dụng thép VAS để phục vụ thi công xây dựng gói thầu xây lắp, thi công xây dựng toàn tuyến dự án thành phần đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.
Nguồn tin của VietNamNet cho biết ngày 10/12, Liên danh CTCP GTVT phía Nam và Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam - Văn phòng Tư vấn giám sát Cần Thơ - Hậu Giang (TVGS) đã có văn bản yêu cầu liên danh nhà thầu dừng ngay sử dụng thép VAS để phục vụ thi công xây dựng gói thầu xây lắp, thi công xây dựng toàn tuyến dự án thành phần đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.
Theo đó, văn bản được ban hành vào ngày 10/12 do ông Phạm Toàn Thắng, Tư vấn giám sát trưởng ký gửi Ban điều hành liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 36 - CTCP, Tổng công ty xây dựng số 1-CTCP, CTCP đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, CTCP xây dựng Tân Nam, nêu rõ: “căn cứ hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật của dự án và công tác kiểm tra tại hiện trường, tìm hiểu của tư vấn giám sát hiện nay chất lượng thép VAS không đạt yêu cầu".
Để đảm bảo chất lượng, tư vấn giám sát yêu cầu các thành viên liên danh nhà thầu dừng ngay việc nhập và sử dụng thép VAS cho tới khi có thông báo mới.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cho biết, ngày 9/12, qua kiểm tra hiện trường và thí nghiệm tần suất thép VAS cho lô thép này, tư vấn giám sát nhận thấy chất lượng không đạt yêu cầu dự án.
Tư vấn giám sát đã có thông báo yêu cầu nhà thầu dừng nhập thép để đảm bảo chất lượng công trình. Đây là quy trình quản lý chất lượng của dự án, được triển khai đều đặn và bình thường cho tất cả các loại vật liệu đưa vào dự án. Theo ông Thi, các mẫu vật liệu trước khi sử dụng đều được kiểm tra rồi mới đưa vào công trình.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV.VietNamNet, cũng trong ngày 10/12, Liên danh CTCP GTVT phía Nam và Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam - Văn phòng Tư vấn giám sát Cần Thơ - Hậu Giang lại có văn bản khác đánh giá về công tác gia công cốt thép của liên danh nhà thầu.
Văn bản này đưa ra sau khi kiểm tra hiện trường thi công tại công trường cầu Rừng Tràm.
Theo văn bản này, khối lượng thép VAS nhập về công trường là 30 tấn; đường kính D32, mác thép CB400. Theo kiểm tra tại hiện trường cho thấy, các góc uốn 90 độ của thanh thép D32 đều xuất hiện vết nứt.
Tại văn bản này, tư vấn giám sát không nêu rằng "chất lượng thép VAS không đạt yêu cầu" như văn bản cùng ngày kể trên. Thay vào đó, tư vấn giám sát đề cập đến thiết bị uốn thép của nhà thầu.
Cụ thể, văn bản cho biết nguyên nhân vết nứt như sau: "Kiểm tra thí nghiệm trong phòng tất cả các chỉ tiêu cơ lý đều đạt", và "Khi thi công tại hiện trường không đạt yêu cầu về nứt khi uốn".
“Qua kiểm tra, tư vấn giám sát nhận thấy thiết bị uốn thép của nhà thầu không đủ năng lực để uốn do góc uốn của máy nhỏ không thể thi công các loại thép có đường kính lớn. Để đảm bảo chất lượng, tư vấn giám sát yêu cầu dừng ngay việc sử dụng thép VAS đến khi nhà thầu chứng minh được chỉ tiêu nứt khi uốn do thiết bị và công nghệ uốn của nhà thầu không phù hợp với loại thép nêu trên”, văn bản của tư vấn giám sát khẳng định.
Đồng thời, tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu thay thế thiết bị và công nghệ uốn thép để thi công đảm bảo chất lượng, không để nứt góc khi uốn thép. Trong thời gian thay thế thiết bị mới và công nghệ, nhà thầu phải sử dụng loại thép khác phù hợp với thiết bị hiện có.
“Trường hợp nhà thầu không cải thiện thiết bị và công nghệ thi công thì tư vấn giám sát không cho phép sử dụng loại thép VAS này”, văn bản khẳng định.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 -2025.
Để có thông tin đa chiều về sự việc, ngày 13/12 PV.VietNamNet đã liên hệ với bộ phận truyền thông của Tập đoàn VAS và gửi email đề nghị VAS phản hồi những nội dung tư vấn giám sát chỉ ra trong văn bản trên. Song đến ngày 22/12, sau nhiều lần thúc giục, phía VAS vẫn chưa trả lời. |
>> 10 công trình giao thông trọng điểm hoàn thành trong năm 2023