Tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn của các thị trường là những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố.
Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, tín dụng trên địa bàn TP.HCM 5 tháng đầu năm dự ước tăng khoảng 2,43% so với cuối năm 2022, thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành ngân hàng khoảng 3,17% trên cả nước.
Trong đó, dư nợ tín dụng bằng tiền đồng tăng 2,21%, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng 6,46% so với cuối năm 2022. Diễn biến này cùng với xu hướng trên cả nước cho thấy, tín dụng tiền đồng tăng 2,39%, tín dụng ngoại tệ tăng 9,35%.
Phân tích cơ cấu tín dụng theo thời hạn nợ; theo loại tiền và theo khối ngân hàng, cũng như theo nhóm ngành lĩnh vực, giữa tín dụng sản xuất kinh doanh (SXKD) và bất động sản (BĐS), chứng khoán, tiêu dùng, về cơ bản không có thay đổi nhiều, tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn tập trung lĩnh vực SXKD và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.
So sánh với 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và năm 2021, nhưng cao hơn năm 2020. 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng 8,8%; năm 2021 tăng 4,76% và năm 2020 tăng 1,75%.
Tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn của các thị trường là những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn Thành phố, đặt trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng và nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng và tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất có tác động qua lại trong 5 tháng đầu năm và dự báo trong thời gian tới.
Với hệ thống giải pháp về cơ chế chính sách tài chính tiền tệ, đầu tư cùng với việc nhận diện đầy đủ khó khăn thách thức, cũng như đánh giá những những chuyển biến tích cực từ một số lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế trên các lĩnh vực đầu tư, du lịch, sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, trong những tháng tới, hoạt động tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế kỳ vọng có những kết quả tốt hơn.