Tài chính Ngân hàng

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Nợ xấu vượt 1 triệu tỷ đồng, hơn 677.000 tỷ đã xử lý bằng dự phòng nhưng chưa thể thu hồi

Hà Anh 06/05/2025 19:51

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu là do các tài sản đảm bảo vướng tranh chấp pháp lý.

Tại một tọa đàm diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng (bao gồm cả nợ tiềm ẩn rủi ro) ước tính vào khoảng 5,46%, tương ứng với tổng số tiền nợ xấu ở mức 1.030.000 tỷ đồng – một con số rất lớn. Trong đó, nợ xấu nội bảng là 778.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC 101.000 tỷ đồng và nợ tiềm ẩn rủi ro 150.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoảng 677.000 tỷ đồng nợ xấu đã được các ngân hàng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý và đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán, nhưng vẫn chưa thể thu hồi. Theo ông Hùng, nguyên nhân chủ yếu là do các tài sản đảm bảo vướng tranh chấp pháp lý. Nhiều trường hợp dù đã có quyết định thi hành án nhưng vẫn chưa thể xử lý được.

Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng cho thấy, đến cuối năm 2024, có khoảng 446.000 vụ án liên quan đến xử lý nợ, nhưng tỷ lệ thu hồi chỉ đạt khoảng 15%.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng thêm 34.000 tỷ đồng, đạt 1.064.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng lên 833.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC giảm còn 99.000 tỷ đồng và nợ tiềm ẩn rủi ro là 130.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn khoảng 63.000 tỷ đồng nợ xấu thuộc diện cơ cấu nợ theo Thông tư 02, nhưng thông tư này đã hết hiệu lực, khiến khoản nợ này tiếp tục được xem là nợ tiềm ẩn rủi ro, nâng tổng nợ tiềm ẩn lên khoảng 193.000 tỷ đồng.

Theo ông Hùng, trước khi thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42), ý thức trả nợ của khách hàng rất kém, không hợp tác, không bàn giao tài sản, nhiều khách hàng cố tình tạo ra tranh chấp để kéo dài thời gian trả nợ.

Tuy nhiên, khi Nghị quyết 42 ra đời, đặc biệt là chính sách cho phép ngân hàng quyền thu giữ tài sản đảm bảo, ý thức trả nợ của khách hàng tăng lên rõ rệt. Cụ thể, nếu trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, khách hàng có ý thức tự trả nợ chỉ chiếm 20%, thì sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, con số này tăng lên 36%. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ý thức trả nợ của người dân lại kém đi.

Cũng về vấn đề này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, hơn 1 triệu tỷ đồng này đang là “vốn chết”, không thể sử dụng. Không chỉ vốn tín dụng, mà cả tài sản thế chấp gắn với các khoản vay cũng không thể sử dụng, khai thác do vướng rủi ro pháp lý.

“Đây là con số rất lớn, gây lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn hiện nay. Đây không chỉ là vốn của riêng ngân hàng, mà còn là vốn của người dân, của nền kinh tế. Nợ xấu lớn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng, mà còn là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất của Việt Nam cao”, ông Bình nói.

>> Tổng Giám đốc SHB: Tỷ lệ nợ xấu bất động sản rất thấp, chỉ chiếm 0,1%

Quý I/2025, Sacombank (STB) báo lãi tăng hơn 38%, nợ xấu nhích lên, tiếp tục cắt giảm gần 1.000 nhân sự

Tổng Giám đốc SHB: Tỷ lệ nợ xấu bất động sản rất thấp, chỉ chiếm 0,1%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tong-thu-ky-hiep-hoi-ngan-hang-no-xau-vuot-1-trieu-ty-dong-hon-677000-ty-da-xu-ly-bang-du-phong-nhung-chua-the-thu-hoi-288837.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Nợ xấu vượt 1 triệu tỷ đồng, hơn 677.000 tỷ đã xử lý bằng dự phòng nhưng chưa thể thu hồi
    POWERED BY ONECMS & INTECH