Tạo đột phá trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông
Chuyến thăm tới Trung Đông của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng, tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư, mở cửa thị trường, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nhà nước Qatar, tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc Vương quốc Saudi Arabia. Chuyến công tác của Thủ tướng diễn ra ở thời điểm cuối năm 2024- là năm tăng tốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tiếp nối các hoạt động ngoại giao rất sôi động, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử trong thời gian qua.
Đặc biệt, cả 3 nước đều là các cường quốc kinh tế và năng lượng tại Trung Đông với chính trị - xã hội ổn định và có vai trò, ảnh hưởng quan trọng tại khu vực. Quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất được triển khai. Cả 3 nước đều là đối tác quan trọng về đầu tư và thương mại, mở ra cơ hội lớn cho thị trường trong nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam UAE, tính đến 30/9/2024, UAE có 42 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 74,1 triệu USD, đứng thứ 52/148 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Xét theo ngành, các nhà đầu tư UAE đã đầu tư vào 6/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (11 dự án với gần 62,4 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 84% tổng vốn đầu tư); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (12 dự án với 7,47 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư); hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (9 dự án với gần 3,2 vốn đăng ký, chiếm tổng 4,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành, lĩnh vực: Vận tải kho bãi; xây dựng; thông tin và truyền thông chiếm 1,1% tổng vốn đầu tư.
Theo địa phương, các dự án của UAE tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh (3 dự án với tổng vốn đăng ký gần 24,2 triệu USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là TP. Hải Phòng (1 dự án, 17 triệuUSD vốn đăng ký, chiếm 23%), Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM…
Còn đối với các dự án lớn của UAE tại Việt Nam, dự án lớn nhất là nhà máy sản xuất dây băng đàn hồi dệt thoi/dệt kim khổ hẹp dùng cho sản xuất trang phục lót và các sản phẩm may mặc có liên quan khác, với vốn đăng ký 20 triệu USD.
Ngoài ra, còn có dự án sản xuất dược phẩm Việt Nam, vốn đăng ký 17 triệu USD và dự án Công ty TNHH gia công thép Essar Việt Nam, vốn đăng ký 16 triệu USD.
Về tình hình đầu tư của Việt Nam sang UAE, lũy kế đến 30/9/2024, Việt Nam có 5 dự án đầu tư tại UAE với tổng vốn đầu tư hơn 1,8 triệu USD. Có 3 dự án ở lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (52,6%%), 1 dự án ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (46,8%) và 1 dự án ở lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (0,6%).
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/9/2024, Saudi Arabia có 8 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,6 triệu USD, đứng thứ 79/148 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo ngành, các nhà đầu tư Saudi Arabia đã đầu tư vào 4/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (2 dự án với 7,5 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 87,5% tổng vốn đầu tư); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (2 dự án với 0,43 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 5% tổng vốn đầu tư); ngành thông tin và truyền thông (2 dự án với gần 0,36 vốn đăng ký, chiếm tổng 4,1% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm 0,28% tổng vốn đầu tư.
Theo địa phương, các dự án của Saudi Arabia tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh (1 dự án với tổng vốn đăng ký 6,5 triệu USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là Bình Dương (1 dự án, 1 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 11,6%), TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng…
Còn với Qatar, tính đến 30/9/2024, Qatar có 1 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,2 triệu USD, đứng thứ 88/148 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Xét theo ngành, các nhà đầu tư Qatar đã đầu tư vào 1/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh Yên Bái.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng có ý nghĩa quan trọng, tạo đột phá về hợp tác kinh tế với 3 nước và khu vực Trung Đông, thu hút đầu tư, mở cửa thị trường, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, mở ra những "cánh cửa" hợp tác với một khu vực rất giàu tiềm năng nhưng chưa được chú ý đúng mức trước đây.
>> Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm 3 nước có nền kinh tế hàng đầu Trung Đông
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm 3 nước có nền kinh tế hàng đầu Trung Đông
Tổng thống Nga Putin bày tỏ quan ngại về tình hình Trung Đông