Doanh nghiệp

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) duyệt chi 1.200 tỷ đồng trả cổ tức

Mai Chi 19/06/2024 - 05:45

GVR ghi nhận doanh thu 7.119 tỷ đồng và lợi nhuận 1.108 tỷ đồng, đạt lần lượt 28,5% và 32,2% kế hoạch năm 2024 sau 5 tháng.

Ngày 17/06, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, HoSE: GVR) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, với nhiều thông tin quan trọng về chiến lược và kế hoạch kinh doanh được thông qua.

Tập đoàn đặt mục tiêu đạt doanh thu gần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.437 tỷ đồng trong năm 2024, tăng lần lượt 1,2% và 2% so với năm 2023. Tuy nhiên, tập đoàn cũng dự báo năm nay sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, bao gồm biến động thời tiết, lãi suất cao và chi phí đầu vào tăng.

Theo cập nhật từ ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG, hết 5 tháng đầu năm, GVR đạt sản lượng tiêu thụ 150.000 tấn, doanh thu 7.119 tỷ đồng và lợi nhuận 1.108 tỷ đồng, đạt lần lượt 28,5% và 32,2% kế hoạch năm. Giá bán bình quân đạt 38,4 triệu đồng/tấn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước, là một tín hiệu tích cực cho những tháng cuối năm.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) duyệt chi 1.200 tỷ đồng trả cổ tức
Ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT VRG phát biểu tại đại hội

>> 'Ông lớn' ngành cao su rót thêm vốn vào dự án khu công nghiệp 2.400 tỷ đồng tại Tây Ninh

Ông Kha cho biết: "VRG đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 83.130 lao động, trong đó có 20.500 người đồng bào thiểu số, 21.500 lao động người Lào, Campuchia. Tập đoàn tiếp tục làm tốt công tác quốc phòng an ninh, an sinh xã hội tại vùng sâu vùng xa, nơi tập đoàn đứng chân".

Ban lãnh đạo VRG dự kiến trình cổ đông phê duyệt phương án trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3% vốn điều lệ, tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng cho 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.

VRG cho biết, Tập đoàn đã đầu tư ra nước ngoài, cụ thể là ở Lào và Campuchia, với tổng số vốn lũy kế lên đến 821,321 triệu USD. Nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, nhưng do đồng tiền của Lào mất giá, tập đoàn và các đơn vị thành viên phải trích lập dự phòng, tăng chi phí tài chính.

Về chiến lược phát triển, giai đoạn 2021-2025, VRG tập trung vào các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.921 ha. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 25.075 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2026-2030, GVR kỳ vọng tăng trưởng bình quân 5-6%/năm, với mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh chính lên 95% và 70-80% tương ứng.

Ông Đỗ Hữu Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhận định rằng VRG cần phải đổi mới và chuyển hướng quyết liệt hơn để đối phó với các khó khăn hiện tại, bao gồm thị trường đầu ra gặp khó khăn về giá cả và sản lượng, cũng như hiệu quả giảm sút từ một số khoản đầu tư tài chính.

Đại hội cũng bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 và miễn nhiệm Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn nhiệm kỳ 2021-2026.

Diễn biến gần đây liên quan đến nhân sự Tập đoàn này, vào ngày 24/05, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Lê Quang Thung và ông Huỳnh Trung Trực liên quan đến vi phạm quản lý tài sản nhà nước. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc GVR, khẳng định vụ việc này không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và kinh doanh của tập đoàn.

>> GVR muốn mở rộng quỹ đất thêm 16.500ha tại vùng Đông Nam Bộ

GVR chuẩn bị mở 3 ‘kho báu’ giúp doanh nghiệp ngồi yên vẫn có thể thu về nghìn tỷ mỗi năm

GVR khẳng định không liên quan đến Casumina (CSM)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-cong-nghiep-cao-su-viet-nam-gvr-duyet-chi-1200-ty-dong-tra-co-tuc-239175.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) duyệt chi 1.200 tỷ đồng trả cổ tức
POWERED BY ONECMS & INTECH