Doanh nghiệp A-Z

Tập đoàn Đèo Cả: Một tay đào hầm, một tay ôm khối nợ hơn 1,3 tỷ USD

Ánh Nguyệt 31/08/2024 - 21:30

"Vua hầm" Đèo Cả báo lãi gần 400 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, gánh khoản lãi vay khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi ngày.

CTCP Tập đoàn Đèo Cả vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024 với nhiều thông tin chú ý.

Trong nửa đầu năm 2024, “vua đào hầm” Đèo Cả mang về 4.075 tỷ đồng doanh thu, tăng 110% so với cùng kỳ. Chiếm phần lớn trong cơ cấu là doanh thu từ hợp đồng xây lắp, bảo dưỡng (2.971 tỷ đồng) và nguồn thu từ BOT (962 tỷ đồng).

Cùng chiều, giá vốn hàng bán tăng mạnh 145% lên mức 3.121 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí, lãi sau thuế của Đèo Cả đạt 390 tỷ đồng, tăng 27% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tại thời điểm ngày 30/6, quy mô tài sản của Tập đoàn ghi nhận 47.524 tỷ đồng, tăng 2,4% so với con số đầu năm. Về phía nguồn vốn, nợ phải trả ghi nhận 33.445 tỷ đồng, tương đương 1,34 tỷ USD và không biến động nhiều so với thời điểm đầu năm 2024.

Tổng nợ vay ngắn và dài hạn đạt 21.044 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất là Vietinbank (CTG) với số tiền hơn 18.860 tỷ đồng, chiếm gần 90% dư nợ cho vay. Với con số này, doanh nghiệp đã bỏ ra gần 433 tỷ đồng để trả lãi vay trong nửa năm 2024, tương đương mỗi ngày chi khoảng 2,4 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Đèo Cả đạt 10.806 tỷ đồng, qua đó ghi nhận hệ số nợ phải trả trên vốn chủ ở mức 3,1 lần.

Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã trả lãi với số tiền 11,5 tỷ đồng cho lô trái phiếu DCA12101 với trị giá 200 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 10/2024.

Tập đoàn Đèo Cả: Một tay đào hầm, một tay ôm khối nợ hơn 1,3 tỷ USD
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả với tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng

Trong năm 2024, Đèo Cả sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án với tổng mức đầu tư gần 80.000 tỷ đồng như Tân Phú - Bảo Lộc, TP. HCM - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương - TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)... Bên cạnh đó, Tập đoàn đang chọn “thời điểm chín muồi” để niêm yết trên sàn chứng khoán với mục tiêu trong vòng 5 năm.

Ngoài ra, Đèo Cả dự kiến phát hành hơn 210 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu nhằm bổ sung vốn lưu động cho đầu tư dự án. Thời gian triển khai trong giai đoạn 2024 - 2025 và theo tiến độ triển khai các dự án. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Tập đoàn Đèo Cả tăng lên từ hơn 4.200 tỷ đồng lên hơn 6.300 tỷ đồng.

Đèo Cả được mệnh danh là “vua đào hầm” của Việt Nam. Trong hơn thập kỷ qua, Tập đoàn đã xây dựng hơn 22km hầm đường bộ, 275km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí với tổng mức đầu tư lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.

Đến năm 2030, Tập đoàn dự kiến đầu tư khoảng 400km đường cao tốc và đường vành đai với tổng vốn hơn 94.000 tỷ đồng. Hiện, Đèo Cả đã được chọn làm nhà đầu tư đề xuất tại các dự án giao thông trọng điểm như Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2...

>> Đoàn công tác khảo sát dự án lớn nhất cao tốc Bắc - Nam 20.400 tỷ đồng do liên danh Đèo Cả thi công

Nhà máy chế biến thịt bò 500 triệu USD của Vinamilk (VNM) sẽ chạy thương mại vào tháng 9

Đức Long Gia Lai (DLG) lên tiếng về dự án gần 900ha bị Thanh tra chính phủ yêu cầu thu hồi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-deo-ca-mot-tay-dao-ham-mot-tay-om-khoi-no-hon-13-ty-usd-247335.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tập đoàn Đèo Cả: Một tay đào hầm, một tay ôm khối nợ hơn 1,3 tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH