CTCP Tập đoàn FLC vừa thông báo nhận được 3 quyết định của Cục thuế tỉnh Quảng Ninh; các quyết định đều được ban hành ngày 30/11/2022.
Biện pháp cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản của tập đoàn mở tại Ngân hàng Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - chi nhánh Quảng Ninh và Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Quảng Ninh.
Lý do chung với cả 3 quyết định trên là bởi "công ty nợ thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Tổng số tiền bị cưỡng chế là gần 1,6 tỷ đồng. Thời hạn tiến hành cưỡng chế từ 30/11 - 29/12/2022.
Trước khi nhận các quyết định cưỡng chế thuế lần này, Tập đoàn FLC cũng đã nhiều lần bị cưỡng chế/xử lý thuế trong nửa năm trở lại đây.
Cụ thể, ngày 28/10, Tập đoàn nhận được quyết định cưỡng chế thuế của Chi cục Thuế Thành phố Kon Tum tổng số tiền gần 54 triệu đồng do nợ tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế.
Cơ quan thuế thi hành quyết định bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thanh Xuân.
Hồi đầu tháng 10, FLC đã bị Chi Cục Thuế Khu vực Đak Đoa – Mang Yang cưỡng chế hơn 189 triệu đồng tiền thuế với lý do tương tự.
Trước đó, FLC cũng đã thông báo nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình từ ngày 28/9 với tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 457,7 tỷ đồng do tập đoàn có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Đáng nói, từ đầu tháng 8 tới đầu tháng 9, FLC cũng đã nhận các quyết định cưỡng chế thuế từ chính cơ quan này với tổng số tiền hơn 672 tỷ đồng.
Trong tháng 9, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng ra 9 quyết định - tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với tập đoàn này.
Ngày 18/8, Chi Cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa) cũng ra 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền 130,8 tỷ đồng với FLC.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng rưỡi, Tập đoàn FLC đã nhận các quyết định cưỡng chế thuế với tổng giá trị gần 1.390 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế. Số tiền này thậm chí lớn hơn rất nhiều tổng lợi nhuận các năm trở lại đây của doanh nghiệp.
Quý 3/2022 vừa qua, Tập đoàn FLC ghi nhận kết quả kinh doanh với doanh thu thuần đạt 429 tỷ đồng - giảm 70% so với cùng kỳ năm trước; lỗ gộp hơn 96 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp 144 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 93% xuống còn chưa đầy 18 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng 58% lên gần 106 tỷ (bao gồm chi phí lãi vay 85 tỷ); chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 267 tỷ - gấp 2,5 lần cùng kỳ do phải trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn.
Đvt: Tỷ đồng
Kết quả, FLC lỗ sau thuế 785 tỷ đồng - quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp của tập đoàn FLC và là mức lỗ nặng nhất trong 2 năm trở lại đây.
Theo giải trình, FLC cho biết doanh thu và giá vốn hàng bán kỳ này giảm 60 - 70% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường kinh doanh bất động sản, chính sách tín dụng cho nhà đầu tư địa ốc.
Bên cạnh đó, khoản lỗ từ mảng đầu tư vào hàng không, dịch vụ khách sạn cũng góp phần khiến cho Tập đoàn FLC thua lỗ trong quý 3/2022.
Đến ngày 30/9, tập đoàn đang góp 4.015 tỷ đồng vào công ty liên kết là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) - tương đương 21,7% vốn của hãng bay này. Phần chia lỗ của FLC trong Bamboo Airways là 1.269 tỷ đồng - tương ứng với giá trị hợp lý còn lại là 2.746 tỷ đồng.
Tập đoàn FLC thông tin tình hình kinh doanh 10 tháng năm 2024
Lãnh đạo FLC: 'Mọi cổ đông đều có thể khiếu nại khi quyền của họ bị vi phạm'