Tập trung thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 8 trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 4.544 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, NSNN cấp Thành phố thực hiện 1.731 tỷ đồng, tăng 0,3% và tăng 9,7%; NSNN cấp huyện 2.654 tỷ đồng, tăng 2,9% và tăng 8,3%; NSNN cấp xã 159 tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 17,5%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý đạt 28,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 54,5% kế hoạch năm 2023, trong đó: NSNN cấp Thành phố thực hiện 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 0,5% và đạt 51,6%; NSNN cấp huyện 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% và đạt 56,6%; NSNN cấp xã 1,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% và đạt 58,1%.
Theo báo cáo của các ban quan quản lý dự án, đến nay tiến độ tổng thể chung của dự án Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội: đạt khoảng 77,7%, trong đó thi công đoạn trên cao đã cơ bản hoàn thành. Dự án Có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đường trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng.
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu nằm phía hạ lưu sông Hồng song song với cầu giai đoạn 1, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473 m; mặt cắt ngang 19,3 m (4 làn xe); điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Sau hơn 2,5 năm thi công, đến nay dự án đã hoàn thành. Lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã diễn ra vào ngày 30/8/2023, chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023) và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Ngày 25/6/2023, tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô đã được khởi công tại 3 địa phương (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh). Dự kiến hoàn thành cơ bản trong năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang 50 m. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là 7.211 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.818 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 20,1% kế hoạch vốn.
Phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch đầu tư công năm 2023
Tuần qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND về thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công các tháng còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Theo đó, thành phố phấn đấu kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch. Để làm tốt việc này, các chủ đầu tư; UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao và thực hiện theo đúng cam kết giải ngân; các đơn vị xây dựng chi tiết kế hoạch giải ngân quý III, quý IV-2023 và đến ngày 31/1/2024 của từng dự án.
Các đơn vị, chủ đầu tư cần rà soát kỹ khả năng thực hiện dự án để đề xuất bố trí kế hoạch vốn cho phù hợp, khắc phục tình trạng không giải ngân hết kế hoạch vốn do tính toán, đề xuất không hợp lý. Đối với các dự án được điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2023, các chủ đầu tư tập trung quyết liệt, áp dụng các biện pháp bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn đã điều chỉnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 9/2023, gồm rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, chậm giải ngân, không khắc phục được các vướng mắc, dự kiến không giải ngân hết kế hoạch vốn sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố cân đối nguồn vốn bố trí bảo đảm theo tiến độ dự án; rà soát, đôn đốc công tác quyết toán công trình hoàn thành.
Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng theo quy định của Luật Đầu tư công và yêu cầu của thành phố. Hằng tháng, các phó chủ tịch UBND thành phố, các sở chuyên ngành thực hiện giao ban xây dựng cơ bản theo chuyên đề đối với các dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Tỷ lệ giải ngân của các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các chủ đầu tư đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và việc không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp là một trong những trường hợp để xem xét miễn nhiệm cán bộ theo quy định.
Năm 2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10-10,5%
Tăng tốc, bứt phá để quyết tâm đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024