Tây Ninh: Không để phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh động vật
UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành văn bản đề nghị các Sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh động vật, không để phát sinh và lây lan trên diện rộng; quán triệt, tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả các nội dung Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chăn nuôi heo ở Tây Ninh |
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNN tỉnh Tây Ninh báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, kết quả giám sát dịch bệnh, kết quả thống kê tổng đàn, tiêm phòng, quản lý cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh… trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS); Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổng hợp số liệu, phân tích, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; những tồn tại, bất cập, khó khăn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Các Sở Tài chính phối hợp với Sở NN&PTNN tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh và các Chương trình, Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Vịt nuôi ở Tây Ninh |
Sở TT&TT phối hợp với Sở NN&PTNN và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh, rà soát tiêm phòng nhắc lại đối với vật nuôi đã hết hoặc sắp hết miễn dịch, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn vật nuôi tại thời điểm tiêm phòng; tiếp tục triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh động vật theo
Kế hoạch số 3744/SNN-CCCN&TY của Sở NN&PTNN; Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, trong phạm vi nhỏ lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; Hướng dẫn, tuyên truyền đến người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm các biện pháp vệ sinh sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh, chủ động tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi.