Tên lửa tái sử dụng cao gần 100m được phóng thành công vào quỹ đạo
Tên lửa này đã được phóng lần đầu tiên vào 2h03 ngày 16/1 (13h03 cùng ngày giờ Hà Nội) từ Trạm lực lượng không gian Cape Canaveral tại Florida, Mỹ.
Vào lúc 2h03 sáng ngày 16/1 theo giờ Mỹ (tức 14h03 chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), tên lửa New Glenn đã được phóng từ Căn cứ Không gian Cape Canaveral, Florida mang theo vệ tinh Blue Ring. Đây là một thiết bị tiên tiến được thiết kế để hỗ trợ các vệ tinh khác và thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc gia.
Trong các bài đăng liên tục trên mạng xã hội X, Blue Origin xác nhận New Glenn đã đạt đến quỹ đạo. Trước đó, lịch phóng ban đầu vào ngày 12/1 đã phải trì hoãn do các sự cố kỹ thuật và điều kiện thời tiết.
Elon Musk - ông chủ SpaceX đã gửi lời chúc mừng Jeff Bezos về thành công của Blue Origin ngay trong lần phóng đầu tiên. Đặc biệt, chuyến bay này là điều kiện cần thiết để Blue Origin nhận chứng nhận từ Lực lượng Không gian Mỹ, mở đường cho công ty tham gia vào các sứ mệnh phóng vệ tinh an ninh quốc gia trị giá hàng tỷ USD trong tương lai.
Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong hành trình 25 năm của công ty vũ trụ do tỷ phú Jeff Bezos sáng lập, đồng thời được xem là lời thách thức mạnh mẽ đối với vị thế thống trị ngành công nghiệp không gian của SpaceX, công ty do tỷ phú Elon Musk dẫn đầu.
Theo Space, sau khoảng 12,5 phút phóng, tầng trên của New Glenn đã đạt đến quỹ đạo hoàn thành mục tiêu chính của chuyến bay thử nghiệm NG-1. Blue Origin cũng nỗ lực hạ cánh tầng đầu tiên tái sử dụng của tên lửa này trên tàu Jacklyn ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên, dù đã khai hỏa ba động cơ như dự kiến, tầng đẩy không thể hạ cánh thành công.
"Chúng tôi đã bay lên quỹ đạo an toàn và thu thập rất nhiều dữ liệu", Ariane Cornell, Phó Chủ tịch phụ trách hệ thống trong không gian tại Blue Origin cho biết. Việc hạ cánh thành công, nếu đạt được, sẽ là một bất ngờ lớn, nhưng công ty khẳng định đây chỉ là mục tiêu phụ với khả năng thành công thấp.
New Glenn đã trải qua một hành trình dài trước khi ra mắt. Ban đầu, chuyến bay đầu tiên được lên kế hoạch vào năm 2020, nhưng quá trình phát triển động cơ BE-4 mạnh mẽ ở tầng đầu tiên đã khiến lịch trình bị trì hoãn. Tầng đầu tiên tái sử dụng này được kỳ vọng tạo lợi thế cạnh tranh với Falcon 9 của SpaceX, loại tên lửa tái sử dụng đầu tiên có khả năng bay lên quỹ đạo.
Blue Origin dự kiến mỗi tên lửa New Glenn sẽ được phóng ít nhất 25 lần với danh sách khách hàng bao gồm NASA và các công ty viễn thông. Ngoài ra, New Glenn còn được chọn để phóng vệ tinh Internet băng thông rộng thuộc dự án Kuiper của Amazon, đối thủ tiềm năng của Starlink do SpaceX phát triển. Amazon đã xin cấp phép hơn 3.000 vệ tinh Kuiper, trong khi cả Blue Origin và Amazon đều do Jeff Bezos sáng lập.
Với khả năng vận chuyển 45 tấn hàng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO), New Glenn vẫn thua Falcon Heavy của SpaceX, vốn có khả năng chở tới 64 tấn. Tuy nhiên, nếu sứ mệnh NG-1 diễn ra suôn sẻ, New Glenn sẽ được chứng nhận tham gia chương trình Phóng vũ trụ An ninh Quốc gia của Lực lượng Không gian Mỹ.
Ban đầu, New Glenn được NASA chọn để phóng cặp tàu thăm dò sao Hỏa ESCAPADE. Tuy nhiên, do chưa chứng minh được khả năng hoạt động, NASA đã dời nhiệm vụ này đến mùa xuân năm 2025. Trong chuyến bay đầu tiên, New Glenn mang theo phiên bản thử nghiệm của tàu vũ trụ Blue Ring, được thiết kế để kiểm nghiệm các hệ thống liên lạc, thu thập dữ liệu và hỗ trợ các vệ tinh khác.
Blue Ring có khả năng vận chuyển 3.000 kg hàng hóa và được kỳ vọng hỗ trợ các sứ mệnh lên quỹ đạo địa tĩnh, quỹ đạo Mặt Trăng và thậm chí cả quỹ đạo liên hành tinh. Chuyến bay đầu tiên này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện phiên bản sản xuất của Blue Ring cho các sứ mệnh tương lai, theo Blue Origin.
>> Siêu cường gần Việt Nam sắp xây ‘đập Tam Hiệp’ trong vũ trụ cách Trái đất 36.000km