Việt Nam lần đầu ra mắt tên lửa đất đối hải: Được trực tiếp nghiên cứu và cải tiến bởi Viettel, có thể tiêu diệt tàu chiến trong phạm vi 80km
Đây là sản phẩm vũ khí hiện đại của Việt Nam, mang lại sự tự hào về khả năng tự chủ trong công nghiệp quốc phòng.
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ra mắt Tổ hợp Tên lửa đất đối hải Trường Sơn VCS-01, thu hút sự chú ý lớn tại khu vực trưng bày ngoài trời và trở thành điểm nhấn đặc biệt của sự kiện.
Tổ hợp Trường Sơn cùng với đạn tên lửa hành trình diệt hạm Sông Hồng, được Viettel nghiên cứu và phát triển. Đây là minh chứng cho năng lực nghiên cứu và phát triển ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng.
Theo thông tin tại khu vực trưng bày, tổ hợp tên lửa Trường Sơn VCS-01 là một hệ thống phòng thủ bờ biển di động, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa trên biển.
Thành phần chính của hệ thống này bao gồm xe nạp tên lửa VTRV-01, xe chỉ huy điều khiển VCPV-01, xe bệ phóng VLV-01, cùng với hệ thống radar cảnh giới và chỉ thị mục tiêu VRS-MCX và đạn tên lửa diệt hạm Sông Hồng VSM-01A.
Trong đó, tên lửa Sông Hồng VSM-01A là thành phần chiến đấu chủ yếu của tổ hợp này, có nhiệm vụ tiêu diệt các tàu chiến mặt nước với tầm bắn lên đến 80km, gấp đôi tầm bắn của những tên lửa tương tự trước đây. Tên lửa này hoạt động ở tốc độ cận âm, được trang bị hệ thống dẫn đường cập nhật nhằm nâng cao độ chính xác trong việc tiêu diệt mục tiêu.
Hệ thống radar đi kèm có tầm quét lên tới 200km, cho phép phát hiện và theo dõi mục tiêu trên biển hiệu quả trong mọi điều kiện. Đặc biệt, bệ phóng nghiêng của tổ hợp được thiết kế theo mô-đun, giúp dễ dàng tái nạp tên lửa sau mỗi đợt tấn công, nâng cao khả năng tấn công liên tục.
Được phát triển như một sự kế thừa của hệ thống tên lửa 4K51 Rubezh thời Liên Xô, VCS-01 có khả năng phóng tới 8 tên lửa, với mỗi phương tiện mang 4 tên lửa. Điều này không chỉ làm tăng sức mạnh hỏa lực so với các hệ thống cũ, mà còn cải thiện tính linh hoạt và khả năng cơ động của các phương tiện trong đội hình tác chiến. Xe VLV-01 có thể đi vào hoạt động trong vòng chưa đầy 10 phút, đồng thời được trang bị công nghệ bơm lốp tự động giúp duy trì khả năng di chuyển ngay cả khi một số lốp bị hỏng.
Tổ hợp tên lửa Trường Sơn không chỉ thể hiện sự phát triển vượt bậc về công nghệ quốc phòng của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc gia. Thành tựu này cũng là niềm tự hào của đội ngũ cán bộ và kỹ sư Viettel, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Tạp chí Army Recognition (trụ sở tại Andenne, Bỉ) nhận định rằng đây là lần đầu tiên tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển này được giới thiệu trước công chúng.
Theo Army Recognition, Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất vũ khí chống hạm nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng cụ thể. Song song với đó, Việt Nam cũng đang cải thiện năng lực đóng tàu bằng cách chế tạo tàu tấn công nhanh và khinh hạm đa năng. Những nỗ lực này nằm trong chiến lược hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân.
Cũng theo tạp chí này, quyết định đẩy mạnh công tác tự phát triển vũ khí đã cho phép Việt Nam điều chỉnh công nghệ quân sự của mình theo điều kiện và nhu cầu hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, nó cho thấy Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng bền vững thông qua quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Nhà nước và các viện nghiên cứu.
>> Hàng nghìn người đi xem vũ khí, khí tài tại Triển lãm Quốc phòng ngày đầu mở cửa