Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã vượt Tesla, trở thành hãng xe điện có doanh số lớn nhất thế giới.
Theo số liệu được ghi nhận tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, BYD đã bán được 641.350 chiếc ô tô điện trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 314,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tức là gấp hơn 4 lần. Trong đó, có 323.519 xe điện thuần túy (BEV).
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm Tesla chỉ bán được 564.743 xe, do thành phố Thượng Hải thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, ảnh hưởng tới sản lượng của công ty ở Trung Quốc.
Thị phần của BYD trên thị trường ô tô điện đã tăng 36% trong 6 tháng đầu năm, với giá trị vốn hóa thị trường gần đạt mốc 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 149 tỷ USD.
Việc Trung Quốc khuyến khích người dân cắt giảm lượng khí thải carbon đã giúp BYD có sự tăng trưởng doanh số mạnh mẽ vì là nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này.
Nhiều mẫu xe của BYD là hybrid sạc điện, tức là sử dụng một bộ pin lớn để hỗ trợ động cơ đốt trong truyền thống, giúp xe chạy được quãng đường xa hơn, nhưng vẫn được tính là xe "không khí thải" theo phân loại của Trung Quốc.
BYD cũng đã vượt tập đoàn LG của Hàn Quốc để trở thành nhà sản xuất pin xe điện lớn thứ hai thế giới, chỉ sau CATL.
Tesla, cùng với một loạt các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc như Li Auto, Xpeng và Nio, bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội vì Covid-19 nặng hơn BYD.
BYD vẫn ghi nhận doanh số và thị phần tăng mạnh dù các nhà máy của công ty ở tỉnh Hồ Nam đang bị điều tra vấn đề môi trường do nhiều người dân trong vùng cho biết họ có hiện tượng chảy máu cam, nôn mửa và khó thở.
Các nhà máy của BYD vẫn duy trì hoạt động trong các đợt giãn cách xã hội trên khắp Trung Quốc vì phần lớn nằm xa các điểm nóng Covid-19, như Thượng Hải - cứ điểm sản xuất của Tesla ở Trung Quốc.
Cung cấp một nửa sản lượng toàn cầu cho công ty trong năm 2021, nhưng nhà máy Gigafactory 3 của Tesla ở Thượng Hải đã phải đóng cửa 22 ngày vào tháng 5 vừa qua do lệnh giãn cách xã hội của thành phố để phòng dịch. Ngay cả khi hoạt động trở lại, nhà máy này cũng không đạt được công suất như thời trước dịch, do tình trạng thiếu nguồn cung phụ tùng.
Giới phân tích nhìn nhận sự vươn lên mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc là chỉ báo cho sự xoay trục của thị trường ô tô toàn cầu, khi mà các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc bắt đầu tăng cường sự tập trung vào các thị trường xuất khẩu.
Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn một nửa triệu xe điện, tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Tuy nhiên, khoảng 1/3 trong số xe xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu là các thương hiệu châu Âu như Volvo Cars và MG Motor; chỉ có khoảng 2% đại diện cho các thương hiệu Trung Quốc, theo các nhà nghiên cứu của Học viện
Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin. Gần một nửa là từ Tesla, 14% còn lại từ các liên doanh của các thương hiệu châu Âu tại Trung Quốc.