Tại các điểm chơi Tết như Hồ Gươm, Hồ Tây, Đường hoa Nguyễn Huệ, có nhà mạng ghi nhận lưu lượng sử dụng dịch vụ viễn thông của người dùng di động tăng 200%, thậm chí 300%.
Dịp Tết Nguyên đán 2024 dự kiến có gần 700 lễ hội, sự kiện trên toàn quốc, tương đương với năm 2023. Tuy nhiên, số lượng điểm bắn pháo hoa giao thừa tăng gần 20% là một thách thức lớn cho các lực lượng kỹ thuật.
Trong bối cảnh đó, nhờ sự chuẩn bị kỹ càng các phương án dự phòng, kết hợp với việc triển khai nhiều công nghệ mới, các nhà mạng di động đã không còn để xảy ra tình trạng nghẽn mạng đêm giao thừa.
Theo VNPT, với sự chuẩn bị một cách chủ động và chu đáo của toàn bộ các đơn vị trong VNPT, trên khắp cả nước, tình hình mạng viễn thông đêm 30/12 đến rạng sáng ngày 1/1 Tết Âm lịch hoạt động ổn định, lưu lượng được lưu thoát tốt tại thời điểm giao thừa.
>> Khi nhà mạng hỗ trợ nông dân Việt bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số
Trong đó, tất cả điểm lễ hội, sự kiện chào mừng năm mới cùng 84 địa điểm bắn pháo hoa trên toàn quốc (miền bắc 50 điểm, miền nam 25 điểm và miền trung 9 điểm) vẫn đảm bảo chất lượng trải nghiệm tốt cho người dùng.
Ghi nhận của VNPT cho thấy, lưu lượng trung bình các trạm phục vụ lễ hội bắn pháo hoa tại một số khu vực trung tâm thành phố như Hồ Gươm, Hồ Tây (Hà Nội), Đường Hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM), cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng),... tăng khoảng 200% - 300% so với ngày thường.
Hiệu suất tải sử dụng các trạm trung tâm có tăng cao và gây nghẽn đột biến một số điểm so với ngày thường (tải sử dụng khoảng 90%). Tuy nhiên, với việc VNPT đã bổ sung thêm xe phát sóng lưu động, hoạt động của mạng lưới vẫn đảm bảo chất lượng.
Trong đêm 30 Tết, lưu lượng thoại toàn mạng VNPT giảm 9.6% so với Tết năm 2023. Tổng dung lượng data trong ngày 30 Tết so với cùng kỳ năm trước tăng 11.72%.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Viettel cho biết, tổng lưu lượng thoại trên toàn mạng ước tính tăng khoảng 10% so với ngày thường và giảm 15% so với dịp Tết Âm lịch năm 2023. Lưu lượng data ước tính tăng 10% so với ngày thường và tăng 18% so với dịp Tết Âm lịch 2023.
Viettel đã triển khai 15.000 giải pháp để bổ sung tài nguyên, giúp hệ thống có thể đáp ứng 120% lưu lượng dự kiến. Nổi bật trong số đó là 700 trạm mới, 1.000 trạm nhỏ, 100 xe cơ động và hơn 13.000 giải pháp nâng cấp cấu hình cao cho trạm BTS. Do vậy mạng lưới Viettel hoạt động ổn định trong cả đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết.
Với Vietnamobile, trong đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, lưu lượng thoại, SMS và data tăng cao, khoảng 30% so với các năm trước do nhu cầu trao đổi thông tin, gọi điện, nhắn tin chúc Tết vào thời khắc giao thừa.
Nắm bắt được thói quen này, Vietnamobile đã tổ chức ứng trực, lắp đặt các trạm thu phát sóng lưu động tại các khu vực trọng điểm để kịp thời ứng phó, duy trì liền mạch dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin của người dùng di động.
Trả lời VietNamNet, đại diện MobiFone cho hay, tại các điểm bắn pháo hoa, nơi lễ chùa, MobiFone ghi nhận lưu lượng tăng đột biến. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể sử dụng dịch vụ bình thường do nhà mạng đã dự đoán trước và triển khai các giải pháp kỹ thuật tăng cường dung lượng cho các khu vực này.
Các khu vực trọng điểm diễn ra các lễ hội và tập trung đông người như Hồ Gươm (Thủ đô Hà Nội), đường hoa Nguyễn Huệ (Tp.HCM), các khu du lịch tâm linh như Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh),… đều được MobiFone thực hiện khảo sát từ trước Tết.
Bên cạnh đó, năng lực mạng lưới 4G cũng đã được MobiFone tăng cường mạnh trong năm 2023. Điều này đã giúp đảm bảo chất lượng mạng MobiFone trên cả nước, bao gồm các địa điểm tổ chức lễ hội.
Cũng theo MobiFone, trong các ngày giáp Tết và đêm giao thừa lưu lượng thoại trên hệ thống của nhà mạng này giảm 15%-17% so với ngày thường. So với dịp Tết năm 2023 thì lưu lượng thoại giảm 20%. Trong khi đó, lưu lượng data tăng 5-7%, lưu lượng thoại quốc tế tăng 6-8%.
Năm 2024: Người Việt online chủ yếu để lướt mạng xã hội
Quy định mới về các trường hợp có thể bị thu hồi tên miền '.vn'