Thái Nguyên vừa công bố danh sách các khu vực không được phép phân lô, bán nền trên địa bàn.
UBND tỉnh Thái Nguyên mới đây đã ban hành Quyết định số 1419/QĐ-UBND về việc công bố các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trên địa bàn.
Theo Quyết định này, các khu vực được phép thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh. Trừ các khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Khu vực này bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công; toàn bộ địa giới hành chính các thị trấn thuộc huyện, các khu vực đô thị mới và đô thị mở rộng đã được công nhận là đô thị loại IV, V.
Cùng với đó là các khu vực thuộc địa giới hành chính các xã thuộc huyện do UBND cấp huyện đề xuất khuyến khích xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê cũng thuộc nội dung quyết định này.
Trước đó, vào tháng 3/2023, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 222/QQD-UBND quy định hàng loạt khu vực dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê không được phép được chuyển nhượng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.
Được biết, Nghị định 35 của Chính phủ cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền mà không phải xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phát đi văn bản đề nghị các địa phương siết chặt tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Nhưng theo đánh giá, vấn đề này chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS), vì vậy cần phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác quản lý.
Các chuyên gia đều chung quan điểm việc siết chặt phân lô, bán nền, xây dựng trên đất nông nghiệp là hoàn toàn phù hợp với thực trạng phát triển của thị trường BĐS hiện nay. Đồng thời cũng ủng hộ việc các đô thị lớn hạn chế, tiến tới dừng phân lô, bán nền, mà việc này chỉ nên ưu tiên cho những địa phương có tốc độ đô thị hóa và kinh tế tăng trưởng chậm nhưng phải đầy đủ tiêu chí về cơ sở hạ tầng, khả năng tài chính theo quy định để thu hồi vốn nhanh, đảm bảo dòng tiền nhằm tiếp tục phát triển dự án mới quy mô hơn.
Bên cạnh đó, khi Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành thì cần phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý phân lô, bán nền để hạn chế tối đa những bất cập thời gian qua, đi kèm là giải pháp, quy định về việc đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp, ngành; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, xây dựng sai phép, lừa đảo, bán dự án “ma”…
“Cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc phê duyệt dự án và quản lý dự án phân lô, bán nền. Cùng với đó, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành. Ban hành một quy định chung về đất đai phân lô, bán nền phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí gì?; còn cấp nào phê duyệt, quản lý chỉ cần căn cứ vào tiêu chí đã được ban hành và quy hoạch của từng địa phương” - chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm.
Phó giám đốc Sở Ngoại vụ yêu cầu doanh nghiệp thu tiền chênh ngoài hợp đồng
Ông Nguyễn Huy Dũng được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên