4 con sông ô nhiễm bậc nhất Thủ đô sắp được ‘hồi sinh’
Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.
Theo Báo Tiền Phong, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.
Đề án này nằm trong danh mục 32 chương trình, dự án ưu tiên giai đoạn 2025-2030, tập trung vào các nhiệm vụ như kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm, thiết kế - quy hoạch, cải tạo cảnh quan kiến trúc và phát triển hệ thống sông theo hướng cân bằng - sinh thái.
Các dự án cụ thể sẽ được triển khai gồm: Xử lý nước thải Yên Xá; xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ cập nước cho sông Kim Ngưu, Lừ, Sét và dự án tổng thể bổ cập nước, cải tạo, chỉnh trang sông Tô Lịch.

Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực quản lý và ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường nước.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện đề án, xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
>> 1 tháng nữa, hoàn thành đập dâng trên dòng sông hơn 2.000 năm tuổi ô nhiễm nhất Thủ đô
Trước đó, tại buổi tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 10/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thừa nhận thành phố đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở các dòng sông do tốc độ đô thị hóa nhanh, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, tình trạng lấn chiếm lòng sông, hồ diễn ra phổ biến và công tác quản lý còn nhiều bất cập.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cứu các dòng sông và cải thiện môi trường nước.
Trước đó, báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn thành giai đoạn 1 của công tác nạo vét bùn lòng sông Tô Lịch, đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình, với chiều dài khoảng 7km và khối lượng bùn được nạo vét khoảng 49.914m3.
Dự kiến trong tháng 8/2025, Sở sẽ tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2, đoạn từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang, dài khoảng 5km với khối lượng bùn nạo vét khoảng 11.800m3.
Song song với đó, công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường và duy trì hệ thống cây xanh hai bên sông cũng được triển khai. Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố phối hợp với các nhà thầu duy trì chăm sóc cây cảnh, cây mảng, thảm cỏ trên tuyến đường Láng và dọc bờ sông Tô Lịch thường xuyên, liên tục, đảm bảo đúng tần suất theo quy định.
Được biết, bốn con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét đóng vai trò tiêu thoát nước thải chính cho Thủ đô, song lại phải hứng chịu lượng lớn rác và nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Cụ thể, sông Tô Lịch dài khoảng 13,5km, chảy qua nhiều khu vực nội thành, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ hơn 300 cống xả trực tiếp (theo thống kê năm 2024).
Sông Kim Ngưu dài gần 10km cũng luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng. Sông Lừ hứng khoảng 55.000m3 nước thải chưa xử lý mỗi ngày, còn sông Sét giữ nhiệm vụ tiêu thoát nước quan trọng qua hai quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai cũ.
>> Đến tháng 8, dự án cải tạo vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch sẽ hoàn thành
Kiến trúc 'khác lạ' của đập dâng sông Tô Lịch: Chủ đầu tư nói gì?
Đến tháng 8, dự án cải tạo vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch sẽ hoàn thành