Xã hội

Thẩm mỹ Kangnam: Khi thương hiệu bị mang đánh đổi

Đông An 05/07/2024 - 12:53

Thẩm mỹ Kangnam được xem là “ông lớn” ngành làm đẹp tại Việt Nam. Tuy nhiên, tay nghề bác sỹ, chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống cùng hàng loạt vụ việc khách hàng gặp biến chứng, tử vong đã khiến thương hiệu Kangnam dần mờ nhạt trong giới thẩm mỹ viện hiện nay.

Nguy kịch khi được bác sĩ mới ra trường hút mỡ

Hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ 13 năm, thương hiệuKangnam của Tập đoàn SCI Group có 3 bệnh viện: Kangnam Sài Gòn, Kangnam Hà Nội, Đông Á và 10 viện thẩm mỹ. Quy mô là vậy nhưng từ nhiều năm nay chất lượng nhân sự của Bệnh viện có chiều hướng đi xuống khi khách hàng làm đẹp tại hệ thống thẩm mỹ này liên tục gặp sự cố từ liệt dây thần kinh đến nguy kịch, thậm chí đã có những ca tử vong.

Mới đây nhất, thông tin từ Sở Y tế TP HCM cho biết, một sự cố y khoa nghiêm trọng sau phẫu thuật hút mỡ, tạo hình thành bụng đã xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn nhưng bệnh viện đã không báo cáo sự cố y khoa theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Thẩm mỹ Kangnam: Khi thương hiệu bị mang đánh đổi ảnh 1
Bác sĩ Hoàng Quốc Hùng chỉ mới được cấp chứng chỉ hành nghề tháng 12/2022.

Cụ thể, người bệnh nữ V.T.H, sinh năm 1977, đến khám tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn lúc 08 giờ ngày 29/6/2024 với mong muốn được giảm mỡ và da thừa vùng bụng. Người bệnh đã được xét nghiệm tổng quát, thực hiện cận lâm sàng, khám tiền mê, hội chẩn trước phẫu thuật.

Lúc 12 giờ cùng ngày, bệnh nhân được bác sĩ Trần Thị Ngọc Phượng gây mê nội khí quản và được bác sĩ Hoàng Quốc Hùng thực hiện phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần kết hợp hút mỡ bụng. Sau hơn 04 giờ thực hiện phẫu thuật, đến 17 giờ ngày 29/6/2024, bệnh nhân được rút nội khí quản, chuyển sang khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ để điều trị tiếp.

Hơn 1 ngày sau phẫu thuật bệnh nhân than mệt, khó thở, diễn tiến nặng dần, bệnh viện chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy bằng xe cứu thương, sau khi được can thiệp cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã tạm ổn định trở lại.

Ngày 1/7, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu Giám đốc bệnh viện Kangnam Sài Gòn tạm ngưng thực hiện phẫu thuật, thủ thuật đối với bác sĩ Hoàng Quốc Hùng cho đến khi có kết luận từ cơ quan chuyên môn.

Liên quan đến bác sĩ Hoàng Quốc Hùng, tại cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh TP. HCM thì bác sĩ Hoàng Quốc Hùng có số chứng chỉ 036695/HNO-CCHN do Sở Y tế TP Hà Nội cấp ngày 2/12/2022 với phạm vi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình, tái tạo và thẩm mỹ.

Như vậy có thể thấy, bác sĩ Hoàng Quốc Hùng chỉ mới được cấp chứng chỉ để phẫu thuật thẩm mỹ trong 2 năm trở lại đây. Hơn nữa, từ ngày 1/6/2023 ông Hùng mới bắt đầu làm việc tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam. Luôn quảng cáo có đội ngũ Bác sĩ chuyên môn cao, có danh tiếng trong ngành thẩm mỹ nhưng Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn đã giao phó tính mạng khách hàng cho một Bác sĩ chưa có thâm niên về phẫu thuật thẩm mỹ.

Hút mỡ bụng là một kỹ thuật không quá phức tạp nhưng có bốn yếu tố chính quyết định phẫu thuật hút mỡ có an toàn hay không, bao gồm: Tình trạng sức khoẻ của người đi hút mỡ, kinh nghiệm và khả năng của bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê chịu trách nhiệm gây mê, trang thiết bị hỗ trợ cho toàn bộ quá trình phẫu thuật.

Một bác sĩ thẩm mỹ “cứng” nghề phải biết đánh giá tình hình sức khoẻ, chọn lọc bệnh nhân, lường trước những rủi ro, điều quan trọng nhất là sinh mệnh của họ. Để biết mổ chỉ cần 5 năm, mổ giỏi 10 năm, nhưng biết từ chối ca mổ phải mất 15 năm. Mọi ca phẫu thuật thất bại đều cần thời gian để có sự đánh giá khách quan từ Hội đồng chuyên môn nhưng liệu một bác sĩ non nghề như bác sĩ Hoàng Quốc Hùng có đủ kinh nghiệm và khả năng xử lý các ca phẫu thuật lớn hay không? Còn bao nhiêu khách hàng của thẩm mỹ Kangnam có thể kém may mắn nếu được bác sĩ Hoàng Quốc Hùng phẫu thuật?

Thẩm mỹ Kangnam: Khi thương hiệu bị mang đánh đổi ảnh 2
Ông Đinh Viết Hưng – người từng là nhân sự của Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam đã bị khởi tố, bắt giam sau khi sử dụng bằng cấp giả đi “mổ dạo” gây chết người.

Một thực tế khi khách hàng làm đẹp tại Kangnam đó là khi vào phòng mổ họ đều không biết bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê của mình trình độ chuyên môn ra sao nên cứ thế giao phó tính mạng mình. Liên quan đến ca hút mỡ nguy kịch trên, bên cạnh một bác sĩ phẫu thuật non nghề là một bác sĩ chịu trách nhiệm gây mê cũng từng bị tước chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, tháng 2/2022 bác sĩ gây mê Nguyễn Thị Ngọc Phượng bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng do lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật.

Khách hàng liên tục gặp sự cố

Tháng 11/2011, thẩm mỹ viện Linh Nhung đặt tại 255 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội (tiền thân của thẩm mỹ Kangnam ngày nay) bắt đầu đi vào hoạt động do vợ chồng ông Võ Tiến Huy và bà Hán Thị Linh Nhung làm chủ. Năm 2013, cơ sở này xảy ra sự cố nghiêm trọng khi một nữ Việt Kiều đến xoá sẹo nhưng không may dị ứng thuốc tê dẫn đến sốc phản vệ và tử vong. Thời điểm đó, hình ảnh bác sĩ Võ Tiến Huy và hai nữ y tá ngồi thẩn thờ trong đồn công an để lấy lời khai đã được báo chí đăng tải. Để tránh ảnh hưởng đến danh tiếng, ông Võ Tiến Huy đã đổi tên cơ sở thẩm mỹ.

Tháng 8/2016, từ mô hình kinh doanh đơn vị này chuyển đổi thành tập đoàn. Kể từ đó đến nay, Kangnam liên tục thực hiện các chiến dịch quảng cáo và chương trình thực tế về phẫu thuật thẩm mỹ nhằm quảng bá thương hiệu và tay nghề của bác sĩ Võ Tiến Huy cùng đội ngũ cộng sự. Hào nhoáng là vậy song thực tế thì khác biệt hoàn toàn khi khách hàng liên tục gặp sự cố.

Vào ngày 11/10/2019 bệnh nhân T.C.L có đến Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam ở quận 3 (địa chỉ cũ của Bệnh viện Kangnam Sài Gòn) để phẫu thuật căng da mặt, Đến 21 giờ cùng ngày bệnh nhân đột ngột khó thở, khàn tiếng, phù môi, tím tái, mạch nhẹ khó bắt sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 và cuối cùng là chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đến tối 14/10 bệnh nhân T.C.L tử vong.

Thẩm mỹ Kangnam: Khi thương hiệu bị mang đánh đổi ảnh 3
Nữ Việt kiều Đức L.Đ tố Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam căng da mặt khiến bà liệt dây thần kinh số 7.

Năm 2020, một Việt kiều Đức tên L.Đ tố Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam tại quận 3 làm biến dạng khuôn mặt, liệt dây thần kinh số 7 sau ca phẫu thuật căng da mặt vào năm 2016. Đồng thời vị khách này cho rằng trong hồ sơ bệnh án của bà tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam có nhiều dấu hiệu bất thường và đơn vị này cũng không thực hiện đúng biên bản làm việc với bà sau ca phẫu thuật hỏng.

Cũng trong năm 2020, chị H.M.M.T (37 tuổi ngụ tại TP. HCM) phản ánh Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam đã quảng cáo, tư vấn sai sự thật sau khi thực hiện dịch vụ cắt mắt 2 mí, cấy mỡ mí trên và phun chân mày.

Ngày 19/4/2022, nữ khách hàng tên L.L.P. (61 tuổi, ngụ Quận 11, TP.HCM) đến Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn khám tiền phẫu và được hẹn thực hiện cấy mỡ ngực sau đó 1 ngày. Đến 11h00 ngày 20/4, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở, phía bệnh viện phẫu thuật nâng ngực đã nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến 13h00 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng đến 16h20 ngày 20/4 bệnh nhân tử vong.

Hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, tên tuổi của thẩm mỹ Kangnam đã được nhận diện nhưng đi kèm với đó là những ca biến chứng, tử vong của nhiều khách hàng. Chạy theo hình thức, đánh bóng hình ảnh thương hiệu nhưng bỏ quên chất lượng chuyên môn, phải chăng Kangnam đang bấp chấp đánh đổi sinh mạng của khách hàng bằng những món lợi khổng lồ mà ngành dịch vụ làm đẹp mang lại?!

>> Một phụ nữ nguy kịch sau hút mỡ tạo hình

Xác thực khuôn mặt: Người phẫu thuật thẩm mỹ có gặp khó khi chuyển tiền?

Xác thực sinh trắc học: Phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa trên gương mặt có gặp khó?

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/tham-my-kangnam-khi-thuong-hieu-bi-mang-danh-doi-post148356.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thẩm mỹ Kangnam: Khi thương hiệu bị mang đánh đổi
POWERED BY ONECMS & INTECH