Ông được mệnh danh là "nhân chứng của thị trường chứng khoán thế kỷ 20", vì ông là nhà đầu cơ gần như gắn bó với thị trường chứng khoán xuyên suốt một thế kỷ.
Có rất nhiều nhà đầu cơ chứng khoán nhưng gắn bó đến mức coi đầu cơ là cuộc sống, coi đó là sân chơi để bỡn cợt, là sòng bạc để kiếm tiền và thành công đến mức có thể tôn thờ nó như nghệ thuật và triết lý hóa nó cho hậu thế thì chỉ có một người, đó là André Kostolany.
Vị thần chứng khoán châu Âu André Kostolany được xem là nhà đầu cơ “đa mưu túc trí” thế kỷ 20 và đã đạt được tự do tài chính ở tuổi 35. Ông cũng đã xuất bản 13 quyển sách trong đời với câu nói nổi tiếng “Đầu cơ là một bộ môn nghệ thuật, không phải khoa học”.
Ông được xem là một trong những thiên tài trong giới chứng khoán, cuộc đời của ông đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể không chỉ ở trong lĩnh vực tài chính đầu tư mà còn ở trong lĩnh vực chứng khoán đó là hội tụ đủ trí tưởng tượng cũng như tính nhẫn nại.
Thành danh sau một đêm
Bài học vỡ lòng đầu tiên của Kostolany là đầu cơ tiền tệ và ở thủ đô Viên của nước Áo. Andre Kostolany vốn là người Hungari. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, gia đình ông di cư từ Budapest sang Viên. Cậu bé Andre khi đó mới 13 tuổi đã biết kiếm tiền bằng việc mua tiền của nước này để đổi sang tiền của nước khác kiếm lời.
Năm 1924, Kostolany sang Paris với dự định theo học phê bình nghệ thuật. Nhưng kể từ khi nhận ra rằng có thể dễ dàng kiếm tiền bằng đầu cơ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì Kostolany mất hết hẳn nhiệt huyết học hành tại trường đại học. Kiếm tiền và làm giàu được Kostolany nâng lên thành lẽ sống.
Sau khi học lỏm được một vài chiêu của một nhà môi giới chứng khoán rất thành đạt trên Sở giao dịch chứng khoán Paris, Kostolany đăng ký hành nghề môi giới chứng khoán độc lập. Vì luật pháp không cho phép người hành nghề môi giới chứng khoán trực tiếp kinh doanh chứng khoán nên Kostolany đã kinh doanh dưới danh của người khác.
Năm 1929, vào Ngày Thứ Sáu đen tối, khi giá cổ phiếu ở các nơi khác trên thế giới trượt dốc thì ở Paris vẫn như thể không có gì xảy ra. Trong khi số đông cho rằng giá cổ phiếu ở Paris vẫn còn tăng thì Kostolany đã trù tính khả năng suy giảm.
Cụ thể, vào thời điểm đó, ông trùm tài chính Osti của Pháp đã sử dụng đòn bẩy tài chính để mua cổ phiếu của chính công ty mình với ý định thao túng thị trường chứng khoán. Ban đầu, nhiều người cho rằng hành vi đi ngược lại thị trường của Osti không thỏa đáng, đồng thời đã bán khống công ty của ông. Tuy nhiên, tiềm lực tài chính mạnh mẽ của ông đã khiến những người bán khống này mất trắng và các nhà đầu tư lũ lượt chuyển sang vị thế mua.
Tuy nhiên, Kostolany đã tinh ý phát hiện ra điểm yếu của Osti: phần lớn số tiền Osti sử dụng để nâng giá cổ phiếu đến từ việc vay mượn bên ngoài. Kostolany dự đoán với tình hình khủng hoảng kinh tế tiếp tục diễn ra tại Mỹ, thị trường châu Âu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng. Kostolany đã bán khống khi Osti đẩy giá cổ phiếu của công ty lên 170 franc.
Từ đó khiến chuỗi vốn của Osti bị đứt gãy theo dự kiến, công ty tuyên bố phá sản và giá cổ phiếu bắt đầu giảm chóng mặt. Vài tháng sau, Kostolany rút lui với mức giá 3 franc trên mỗi cổ phiếu và tổng lợi nhuận cao gấp 56 lần. Lần đầu cơ này đã khiến Kostolany trở nên nổi tiếng và trở thành một người mới trong giới tài chính chỉ trong một bước nhảy vọt.
Tự do tài chính ở tuổi 35 và được xem là “Giáo sư thị trường chứng khoán”
Một ngày nọ, Kostolany đang xem bảng giá cổ phiếu như thường lệ, ông bất ngờ phát hiện ra một tình huống khó tin: cổ phiếu của “vua diêm” Ivar Kreuger được nhiều tổ chức mua lại, nhưng hầu như không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, ông nhận ra Kreuger đang thao túng công ty của riêng mình.
Hóa ra, Kreuger muốn thực hiện các phi vụ thu mua lại và sáp nhập, ông cần rất nhiều nguồn tài chính từ bên ngoài. Phương thức cấp vốn của ông là: phát hành các sản phẩm quản lý tài sản với lãi suất siêu cao là 25% hàng năm. Kostolany tin rằng công ty này sẽ không thể chịu được tỷ lệ hoàn vốn quá cao trong một thời gian dài, vì vậy ông đã mạnh tay bán khống nó.
Giá cổ phiếu của công ty bắt đầu giảm mạnh theo dự đoán của ông, chuỗi vốn của công ty bị đứt và nhanh chóng tuyên bố phá sản. Trận đầu cơ này giúp ông kiếm được hàng triệu USD và đạt được tự do tài chính.
Nhưng ông cảm thấy vô cùng hối hận và tự trách. Mặc dù việc bán khống đã mang lại cho ông rất nhiều tiền, nhưng đó là dựa trên sự thua lỗ của người khác. Ông nhận ra rằng việc bán khống là một hành động vô đạo đức và âm thầm quyết định không bán khống cổ phiếu nữa.
Những năm 1950 sau khi tự do tài chính, Kostolany ông phát triển nghề tay trái của mình đó là viết lách. Ông viết các bài báo cho các tờ báo và tạp chí, trình bày những phân tích chuyên nghiệp của ông về tình hình kinh tế và chính trị quốc tế.
Đến năm 1960, ông xuất bản sách về nhiều chủ đề khác nhau, sách của ông luôn nằm trong top bán chạy nhất về lĩnh vực đầu tư và tài chính. Cùng với 13 quyển sách được xuất bản, ông bày tỏ rằng: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là mọi người sẵn sàng trả giá cho những lời nói và lời khuyên của tôi. Cuốn sách của tôi sẽ là sự tiếp nối cuộc đời tôi.”
Bên cạnh đó, vì yêu thích công việc giảng dạy nên ông sở hữu thêm danh xưng “giáo sư thị trường chứng khoán”, dù là quý tộc hay ăn mày ông đều nhận giảng dạy với điều kiện họ phải là những người thực sự đam mê và muốn tìm hiểu về lĩnh vực tài chính.
Theo Kostolany, nhà đầu cơ muốn thành công phải hội tụ được cả hai tố chất và hai nhân tố. Đó là, ý tưởng và kiên nhẫn, tiền và may mắn. Không nên ăn sổi ở thì mà phải có chiến lược lâu dài, không nên để bị chi phối bởi biến động giá cổ phiếu hàng ngày mà nên lựa chọn loại cổ phiếu thích hợp để đầu tư hoặc đầu cơ dài hạn, nên chọn cổ phiếu làm đối tượng để đầu tư hoặc đầu cơ chứ không nên chọn các hình thức hay sản phẩm khác trên thị trường chứng khoán bởi theo Kostolany “cổ phiếu chỉ rủi ro về ngắn hạn chứ không rủi ro về dài hạn” - đó là những kết luận thường được Kostolany nhắc đi nhắc lại.