Con đường đi qua quảng trường sức chứa tới 200.000 người lớn nhất Việt Nam, từng là một phần của Hoàng thành Thăng Long

25-04-2024 16:27|Quỳnh Châu

Con đường này dài 1.180m, chạy ngang qua cổng Phủ Chủ tịch, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình...

Đường Hùng Vương có chiều dài 1.180m và rộng 12m. Con đường này bắt đầu từ phố Quán Thánh, nơi tiếp giáp với đường Thanh Niên đến phố Nguyễn Thái Học, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

Một góc đường Hùng Vương. Ảnh: Giang Trịnh/Báo Xây dựng

Một góc đường Hùng Vương. Ảnh: Giang Trịnh/Báo Xây dựng

Theo các nhà sử học, con đường này nằm trên một khu đất cổ có địa thế phong thủy thuộc loại đẹp nhất Thủ đô. Vào thời Nguyễn, đường Hùng Vương chính là mặt thành phía Tây của thành Thăng Long.

Những lần xây dựng quảng trường Ba Đình đã tìm thấy móng thành bằng gạch vồ chạy dọc đường Hùng Vương. Giữa đường là cửa Chính Tây Môn còn gọi cửa Quảng Phúc. Năm 1835, cửa thành bị xây bịt đi.

Năm 1882, quân Pháp đánh Hà Nội lần thứ 2. Chúng xông vào cướp hết tiền, gạo và ở lại đóng quân trong thành. Các trại lính cũ của ta chúng làm nơi nhốt lừa, ngựa. Kho gạo, kho tiền được sửa lại làm bệnh viện cho quân lính. Năm 1885-1887, lính Pháp chết trận nhiều lại thêm dịch tả hoành hành, chúng phải quây một khu đất rộng đầu đường Hùng Vương làm nghĩa trang cho lính Pháp.

Năm 1895, Pháp phá tường thành khai quang khu phía Tây. Năm 1901, chúng xây Phủ Toàn quyền đồ sộ, bề thế cho tương xứng với địa vị dinh thự Thủ hiến Đông Dương. Trước mặt phủ Toàn quyền là một bãi đất rộng đầy sỏi cát, không cây cối. Đây là nền cũ của kho gạo, kho tiền. Bãi đất hoang vu ấy có tên quảng trường Tròn (Pugininer).

Con đường chạy giữa Phủ Toàn quyền và quảng trường Tròn được người Pháp đặt tên là đại lộ Brie red I’Isbe.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Phủ Toàn quyền rơi vào tay Nhật và trở thành Dinh Toàn quyền của Nhật.

Sau khi Nhật giao toàn bộ việc quản lý hành chính cho người Việt, ngày 20/7/1945, bác sĩ Trần Văn Lai - một nhân sĩ trí thức yêu nước của Hà Nội, căm ghét bọn thực dân Pháp xâm lược từng bị giặc Pháp giam cầm gần 2 năm tại nhà tù Sơn La và nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) được mời ra làm Đốc lý Hà Nội - tương đương với chức Thị trưởng thành phố. Ông đã thẳng tay xóa bỏ các tên Pháp của những vườn hoa, phố xá Hà Nội.

Theo đó, quảng trường Tròn (Puyginie) đổi thành quảng trường Ba Đình. Đại lộ Briè red I’Isle thành đường Hùng Vương.

Về ý nghĩa tên gọi của đường, tương truyền Hùng Vương là tên hiệu của 18 đời vua đầu tiên của nước ta. Việt sử lược, bộ sử cổ nhất của ta, chép rằng: “Đời Chu Trang Vương (696-682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người dùng thuật lạ hàng phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… Truyền 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.

Đến bộ Đại Việt Sử ký toàn thư thì chép như sau: "Vua Phương Nam, hiệu là Kinh Dương Vương, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy vợ là Âu Cơ, sinh ra một trăm con trai, là tổ của Bách Việt. Người con trưởng nối ngôi vua, hiệu là Hùng Vương, gọi nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Truyền đến đời thứ 18 thì nước Văn Lang bị Thục Phán thôn tính".

Đường Hùng Vương chạy qua quảng trường Ba Đình - quảng trường lớn nhất Việt Nam với sức chứa lên đến 200.000 người

Đường Hùng Vương chạy qua quảng trường Ba Đình - quảng trường lớn nhất Việt Nam với sức chứa lên đến 200.000 người

Hiện nay, con đường lớn này chạy ngang qua cổng Phủ Chủ tịch, quảng trường Ba Đình, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...; cắt ngang qua các phố Phan Đình Phùng, Chùa Một Cột, Lê Hồng Phong, Trần Phú.

Trên đường Hùng Vương, ngày 29/8/1975, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Công trình khởi công ngày 2/9/1973 trên vị trí của lễ đài cũ, nơi an nghỉ vĩnh hằng của Bác. Vật liệu xây dựng lăng được nhân dân cả nước quy tụ về. Ảnh: TTXVN

Trên đường Hùng Vương, ngày 29/8/1975, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Công trình khởi công ngày 2/9/1973 trên vị trí của lễ đài cũ, nơi an nghỉ vĩnh hằng của Bác. Vật liệu xây dựng lăng được nhân dân cả nước quy tụ về. Ảnh: TTXVN

Đường Hùng Vương được nhận xét là một trong những con đường đẹp nhất của Hà Nội, trái tim của cả nước. Cuối hạ đầu thu, đây là một trong những con đường thu hút nhiều bạn trẻ tới để chụp ảnh.

>> Những điều kỳ lạ về các vua Hùng: 'Tuyển vua' để chọn người nối ngôi, vị vua nào cũng có tuổi thọ đáng kinh ngạc

TP. HCM chi 860 tỷ 'cứu' con đường quan trọng, kết nối cảng biển và cao tốc tại 'thành phố trong thành phố'

Dự án nhà khách trăm tỷ nằm trên con đường đẹp nhất tỉnh Điện Biên đứng trước nguy cơ 'lỡ hẹn' lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/con-duong-di-qua-quang-truong-suc-chua-toi-200000-nguoi-lon-nhat-viet-nam-tung-la-mot-phan-cua-thanh-thang-long-d121332.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Con đường đi qua quảng trường sức chứa tới 200.000 người lớn nhất Việt Nam, từng là một phần của Hoàng thành Thăng Long
    POWERED BY ONECMS & INTECH