Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các đợt tăng bất ngờ trong tháng sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ đòn bẩy, dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường.
Trong Báo cáo chiến lược tháng 6/2022 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sự giao thoa giữa chiều thông tin tích cực và tiêu cực ở thời điểm hiện tại là khá cân bằng.
Cụ thể, xét về mặt thông tin tích cực, VDSC đánh giá hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho các NHTM có sự tương quan nhất định giữa diễn biến thị trường và tăng trưởng cung tiền – tín dụng của nền kinh tế.
Ngoài ra, gói cấp bù lãi suất 2% với giá trị 40.000 tỷ trong hai năm (2022 - 2023) cho một số ngành nghề kinh doanh, tương ứng có khoảng 2 triệu tỷ đồng nợ vay được hỗ trợ lãi suất cho hai năm này mang đến nhiều thuận lợi cho ngành nghề được hỗ trợ.
Đáng chú ý, dòng tiền từ ETF có sự phân hoá trong tháng 5, xu hướng nhìn chung là tích cực với tổng vốn vào ròng đạt hơn 566,8 triệu USD.
Báo cáo của VDSC cũng nhấn mạnh, thị trường đã phản ánh đủ với thông tin về xử lý hành vi thao túng chứng khoán và kiểm soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các chuyên gia kỳ vọng áp lực về dòng tiền gây ra bởi những nguyên nhân trên đã được giải toả sau khi 6 phiên VN-Index giảm quanh 2% và 4 phiên giảm trên 4%, với mức thanh khoản trong tháng 5 chỉ bằng khoảng 70% mức trung bình của cùng kỳ.
Song song, một số thông tin tiêu cực nhà đầu tư cần quan tâm đến là lạm phát, tỷ giá và biến động từ thế giới.
Dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô bên ngoài, chuyên gia VDSC đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chắt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao do chịu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraina.
VDSC cho rằng yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam qua đó trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng 6.
Xét về định giá, nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt đã giảm về vùng giá hợp lý cho chiều nắm giữ song xét về yếu tố dòng tiền, vì thiếu thông tin hỗ trợ, khả năng thanh khoản sẽ chỉ cải thiện nhẹ so với mức bình quân của tháng 5.
Sau khi mùa ĐHCĐ kết thúc, thị trường gần như đi vào vùng trống thông tin cho đến khi các tin tức về kết quả lợi nhuận quý II của doanh nghiệp được công bố. Đây là lý do tháng 5, 6 thường là thời điểm không thuận lợi của thị trường chứng khoán.
Cân nhắc đến các yếu tố thông tin, dòng tiền hay định giá, có thể thấy thị trường đang ở thế cân bằng - yếu. Do vậy, VDSC cho rằng chiến lược đầu tư có một chút phòng thủ và cho mục tiêu trung - dài hạn sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn này. Thay vì “full margin” như thời gian trước, nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc với nhà đầu tư thận trọng thì có thể duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt ở mức 70/30), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường. Việc giải ngân cũng cần có sự kiên nhẫn, chờ cổ phiếu ưa thích về vùng giá tốt để mua vào thay vì theo tâm lý FOMO như trước đây.
Sang tháng 6/2022, VDSC kỳ vọng thị trường sẽ không xuất hiện nhiều phiên bán tháo như trước đó. VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.240 - 1.350 điểm đến khi có thêm chất xúc tác để chỉ số xác định rõ xu hướng.
Vĩnh Hoàn, Nam Việt hưởng lợi gì từ chính sách thuế của ông Donald Trump?
VN-Index có thể đạt mốc 1.345 điểm trước mùa BCTC quý IV/2024