Thành cổ niên đại tới 1.300 năm bị nhấn chìm 40m dưới lòng hồ nhân tạo vẫn còn nguyên vẹn, từng là nơi sinh sống của 290.000 người

11-03-2024 22:01|Thùy Dung

Dù bị nhấn chìm nhiều năm nhưng công trình kiến trúc này gần như nguyên trạng, không bị hư hại nhiều, ngay cả dầm gỗ và cầu thang cũng vẫn còn nguyên vẹn.

Thiên Đảo Hồ là hồ nước nhân tạo nằm ở tỉnh Thuần An, Chiết Giang, Trung Quốc. Hồ nước được hình thành từ năm 1959 khi chính phủ nước này quyết định xây dựng trạm thủy điện ở sông Tân An và đã "chôn giấu" một thành phố cổ kỳ vĩ nơi đáy hồ.

Đúng như tên gọi, Thiên Đảo gồm 1.078 các hòn đảo lớn và vài nghìn đảo nhỏ hơn nằm rải rác trên khắp lòng hồ. Thiên Đảo có diện tích là 573km2 và có dung lượng nước lưu trữ 17,8km3. Các đảo trong hồ có tổng diện tích vào khoảng 86km2. Hồ Thiên Đảo nổi tiếng vì vẻ đẹp hùng vĩ nhưng ít ai biết rằng, sự kỳ vĩ đó không chỉ dừng lại ở trên mặt hồ mà còn ẩn giấu ở phần dưới đáy hồ.

Hình ảnh Thiên Đảo khi nhìn từ trên cao

Hình ảnh Thiên Đảo khi nhìn từ trên cao

Chính nỗ lực thăm dò đáy hồ Thiên Đảo lần đầu tiên vào năm 2001 đã giúp các chuyên gia phát hiện ra một số công trình kiến trúc ở đáy hồ, với 265 vòm bao gồm cổng ra vào và các công trình cầu cống. Sau nhiều lần thăm dò sau đó, đội thợ lặn Big Blue của Thượng Hải tìm thấy Sư Thành (Shi Cheng) – một thành phố cổ bị nhấn chìm nằm dưới đáy hồ Thiên Đảo, sâu 40m.

Sư Thành hay Thành phố Sư Tử - được xây dựng tại chân núi Ngũ Sư, trong giai đoạn Đông Hán (khoảng năm 25 - 200). Công trình này được đặt tên là “Thành phố Sư Tử” vì ở đó có ngọn núi Ngũ Sư nằm ở ngay phía sau thành phố.

Thành phố Sư Tử dưới lòng hồ Thiên Đảo

Thành phố Sư Tử dưới lòng hồ Thiên Đảo

Sư Thành có 5 cổng, mỗi cổng thành có một tòa tháp lớn với diện tích tương đương với 62 sân bóng đá. Trước khi bị nhấn chìm dưới nước, Sư Thành có sáu con đường chính xây bằng đá, được sử dụng để kết nối mọi ngõ ngách trong thành phố.

Trước khi Sư Thành bị ngập nước, 290.000 người đã được di dời đi khỏi nơi mà tổ tiên họ đã sinh sống suốt 1.300 năm. Ít ai ngờ, nằm sâu bên dưới Thiên Đảo Hồ từng là một trung tâm chính trị và kinh tế của khu vực.

Qua những tấm ảnh được đội thợ lặn ghi lại, giới chuyên gia nhận thấy Sư Thành có kiến trúc chạm khắc tinh xảo với nhiều tác phẩm điêu khắc hình sư tử, phượng hoàng, hay các Hán tự cổ trên bức tường.

Sư Thành có kiến trúc chạm khắc tinh xảo với nhiều tác phẩm điêu khắc hình sư tử, phượng hoàng

Sư Thành có kiến trúc chạm khắc tinh xảo với nhiều tác phẩm điêu khắc hình sư tử, phượng hoàng

Theo National Geographic, khi lặn xuống tới độ sâu 28m, ánh sáng không còn chiếu được tới đây nữa. Đèn trang bị cho thợ lặn chỉ có khả năng chiếu sáng khoảng 2 mét. Tuy vậy, họ đã phát hiện ra rằng dù đã nằm ở độ sâu từ 26 - 40m dưới đáy hồ, công trình kiến trúc này gần như nguyên trạng, không bị hư hại nhiều, ngay cả dầm gỗ và cầu thang cũng vẫn còn nguyên vẹn.

Các chuyên gia cho rằng, môi trường nước xung quanh đã bảo vệ thành phố nên kiến trúc nơi đây không hề bị bào mòn. Tuy vậy, câu trả lời thực sự vẫn là bí ẩn mà giới khoa học đang kiếm tìm.

Được biết, thành phố Sư Tử đã bị nhấn chìm xuống nước khi nhà hoạch định Trung Quốc thực hiện dự án xây dựng đập Tân An vào năm 1959. Và để thu hút khách du lịch, họ đang lên kế hoạch biến nơi đây thành địa điểm tham quan du lịch.

Sư Thành đã được quyết định sẽ trở thành một địa điểm du lịch dưới nước

Sư Thành đã được quyết định sẽ trở thành một địa điểm du lịch dưới nước

Theo tạp chí Our World: "Sư Thành đã được quyết định sẽ trở thành một địa điểm du lịch dưới nước. Với những tàu ngầm đặc biệt có chiều cao 3,8m, chiều dài 23m và sức chứa 48 hành khách trị giá 6 triệu USD (khoảng 126 tỷ đồng), tất cả mọi người đều có thể thăm thú thành phố dưới nước".

Nhiều người cho rằng, công trình này là phiên bản nhỏ của thành phố Atlantis và là một trong những thành viên của bộ sưu tập kỳ quan thế giới phiên bản thu nhỏ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức địa phương cho hay, việc sử dụng tàu ngầm trong vùng hồ này có thể tạo ra những luồng sóng mạnh ở dưới đáy hồ và điều này có thể phá hủy thành phố cổ.

>> Tòa thành cổ như cánh tay khổng lồ nằm bên hợp lưu ba sông, từng là chiến địa ác liệt ghi dấu nhiều chiến thắng huyền thoại của dân tộc Việt

Thành cổ hình bát quái được nhắc nhiều nhất trong sử Việt do vua cho xây dựng, huy động 30.000 dân phu, thầy thợ đắp thành

Những dấu tích lịch sử của thành cổ hơn 150 năm tuổi tọa lạc ngay giữa trung tâm Sài Gòn

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thanh-co-nien-dai-toi-1300-nam-bi-nhan-chim-40m-duoi-long-ho-nhan-tao-van-con-nguyen-ven-tung-la-noi-sinh-song-cua-290000-nguoi-d117754.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thành cổ niên đại tới 1.300 năm bị nhấn chìm 40m dưới lòng hồ nhân tạo vẫn còn nguyên vẹn, từng là nơi sinh sống của 290.000 người
    POWERED BY ONECMS & INTECH