Sau sáp nhập, 5 tỉnh thành có 2 sân bay, một địa phương lập kỷ lục với đường bay ‘nội thành’ đầu tiên tại Việt Nam
5 địa phương đồng thời sở hữu 2 sân bay là TP.HCM, Đà Nẵng, Gia Lai, An Giang và Đắk Lắk.
Sau khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, Việt Nam sẽ có 5 địa phương đồng thời sở hữu 2 sân bay là TP.HCM, Đà Nẵng, Gia Lai, An Giang và Đắk Lắk.
TP. Hồ Chí Minh: Tân Sơn Nhất và Côn Đảo
Sau sáp nhập, TP.HCM trở thành một “siêu đô thị” với diện tích và dân số lớn nhất cả nước. Địa phương này cũng có 2 sân bay đang hoạt động là Tân Sơn Nhất và Côn Đảo.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục giữ vai trò chiến lược trong mạng lưới cảng hàng không Việt Nam. Đây đang là sân bay có diện tích và công suất lớn nhất cả nước, với sản lượng hành khách năm 2024 đạt gần 40 triệu lượt.

Hiện mỗi ngày, sân bay này khai thác khoảng 600 chuyến bay. Đặc biệt, nhà ga T3 mới được đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, giúp tăng năng lực khai thác đáng kể, phục vụ tới 7.000 hành khách vào giờ cao điểm.
Trong khi đó, sân bay Côn Đảo hiện chỉ khai thác các đường bay nội địa nhưng đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trương nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Trước ngày 1/7, tuyến TP.HCM – Côn Đảo là đường bay liên tỉnh. Tuy nhiên, sau sáp nhập, cả 2 sân bay nằm trong cùng một đơn vị hành chính, khiến tuyến bay này trở thành tuyến bay nội thành đầu tiên tại Việt Nam.
Đà Nẵng: Đà Nẵng và Chu Lai
Cùng với TP.HCM, Đà Nẵng cũng là địa phương sở hữu 2 sân bay là sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu Lai. Trong đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng đóng vai trò cửa ngõ hàng không của khu vực miền Trung, với sản lượng hành khách năm 2024 đạt 13,4 triệu lượt.
Sân bay Chu Lai hiện có công suất khoảng 1,2 triệu hành khách/năm, đang được đề xuất nâng cấp để đến năm 2030 có thể phục vụ 10 triệu lượt khách, đủ điều kiện tiếp nhận các dòng máy bay thân rộng như Boeing 747-8 và Airbus A380.
Gia Lai: Phù Cát và Pleiku
Gia Lai cũng có 2 sân bay là Phù Cát (trước đây thuộc Bình Định) và Pleiku. Cuối tháng 5/2025, HĐND tỉnh Bình Định (cũ) đã phê duyệt bố trí 1.746 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tham gia dự án mở rộng sân bay Phù Cát, với tổng mức đầu tư khoảng 3.246 tỷ đồng. Theo quy hoạch, đến năm 2030, sân bay này sẽ đạt công suất 5 triệu hành khách/năm, và đến năm 2050 là 7 triệu hành khách/năm.
Sân bay Pleiku được quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp 4C, có công suất khai thác 4 triệu hành khách và 4.500 tấn hàng hóa/năm, phục vụ các loại máy bay như Airbus A320/A321. Đến năm 2050, công suất dự kiến tăng lên 5 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa/năm.

An Giang: Phú Quốc và Rạch Giá phục vụ APEC 2027
Tỉnh An Giang mới sau sáp nhập sẽ sở hữu 2 sân bay quốc tế là Phú Quốc và Rạch Giá. Trong đó, sân bay quốc tế Phú Quốc đang được mở rộng mạnh mẽ để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027. Dự án mở rộng sân bay có tổng diện tích lên đến hơn 1.050 ha, với mục tiêu nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm vào năm 2050, vượt xa mức 4 triệu khách/năm hiện tại.
Sân bay Rạch Giá được xây dựng từ năm 1979 với đường băng dài 1.170 m, công suất thiết kế 200.000 hành khách/năm, cũng đang được đề xuất nâng cấp. Sân bay này sẽ đóng vai trò sân bay dự phòng cho Phú Quốc trong thời gian diễn ra APEC.
Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa
Tỉnh Đắk Lắk sau sáp nhập có 2 sân bay là Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa. Theo quy hoạch của Cục Hàng không Việt Nam trình lên Bộ Xây dựng, sân bay Buôn Ma Thuột được định hướng đạt công suất 5 triệu hành khách/năm vào năm 2030, với 19 vị trí đỗ máy bay, đáp ứng nhu cầu khai thác các loại máy bay thân hẹp như Airbus A320/A321.
Với sân bay Tuy Hòa, mục tiêu đặt ra là đạt công suất 3 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 5 triệu khách/năm vào năm 2050. Các hạng mục mở rộng sẽ được thực hiện đồng bộ nhằm đảm bảo đạt chuẩn hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung Bộ – Tây Nguyên.
Báo nước ngoài ca ngợi một sân bay của Việt Nam là 'Sân bay tượng trưng cho vị thế quốc gia'
Sân bay đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình 'không chạm', chỉ mất 15 giây để qua cửa an ninh