Kết quả của lần khai quật đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc nghiên cứu của các nhà khảo cổ.
Vào những năm 1980, tại ngọn núi của một ngôi làng nhỏ ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, một nhóm trẻ lên núi chơi trốn tìm thì một trong số chúng phát hiện ra một thanh kiếm gỉ "lấp lánh ánh xanh".
Những đứa trẻ lớn hơn cho rằng đó là một thanh kiếm phế liệu có thể bán lấy tiền. Sau đó, bọn trẻ suy nghĩ và quyết định bán thanh kiếm không rõ nguồn gốc cho hợp tác xã cung ứng và tiếp thị để đổi lấy một ít kẹo.
Khi đó, nhân viên của hợp tác xã không có trình độ học vấn cao nên không để ý nhiều đến thanh kiếm có vẻ bí ẩn này mà chỉ thản nhiên đặt nó trong nhà kho gần đó.
Tuy nhiên, không lâu sau, các chuyên gia di tích văn hóa khi tiến hành điều tra dân số định kỳ đã phát hiện ra thanh kiếm đồng này, các chuyên gia xác định đây chắc chắn không phải là một đồ vật cổ bình thường, sau một hồi thảo luận, họ cũng quyết định tìm đến những đứa trẻ nhặt được thanh kiếm vào thời điểm đó, hy vọng rằng chúng có thể đưa các chuyên gia đến ngọn núi.
Ngoài ra, khi biết được không chỉ những đứa trẻ mà cả người lớn trong làng vẫn thỉnh thoảng nhặt hay đào được những đồ vật tương tự thanh kiếm tại ngọn núi được nhắc đến, các chuyên gia tin chắc rằng địa điểm này rất có thể vẫn còn nhiều di vật hay ngôi mộ cổ còn sót lại nên đã lập tức đến đó để kiểm tra.
Do tình trạng xói mòn đất trên ngọn núi này đặc biệt nghiêm trọng và có thể gây ra thiệt hại lớn cho các ngôi mộ nằm dưới đáy, các chuyên gia đã yêu cầu cảnh sát và chính quyền phong tỏa khu vực và tiến hành khai quật. Sự phức tạp của công việc đã làm cho các nhà khảo cổ mất hơn 3 tháng để "lật tung" và "khoét rỗng" toàn bộ ngọn núi.
Kết quả của cuộc khai quật là họ đã khám phá được tổng cộng 48 ngôi mộ có niên đại hàng nghìn năm và đã khai quật được một số lượng đồ vật cổ, trong đó có các vật bằng đồng. Sau khi nghiên cứu và đối chiếu với các tài liệu lịch sử, các chuyên gia đã xác định rằng ngọn núi này là tàn tích của văn hóa thượng tầng Hạ Gia Điếm, tồn tại từ khoảng năm 800 TCN và biến mất vào khoảng năm 300 TCN.
Điểm quan trọng nhất của văn hóa thượng tầng Hạ Gia Điếm nằm ở vai trò quan trọng của nó trong việc thúc đẩy nghiên cứu lịch sử Trung Quốc từ thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc, cũng như quan hệ với thế giới bên ngoài Trung Nguyên.
Theo các chuyên gia, văn hóa thượng tầng này có liên kết với quốc gia Yên - một trong các quốc gia phụ thuộc ở phía bắc của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu đến Chiến Quốc. Các chuyên gia suy đoán rằng xung đột có thể đã xảy ra và là nguyên nhân dẫn đến sụp đổ của văn hóa thượng tầng Hạ Gia Điếm.
Kết quả của cuộc khai quật đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu của các nhà khảo cổ. Mặc dù nhiều di vật bằng đồng đã bị phá hủy theo thời gian, nhưng với số lượng di vật tìm thấy, các chuyên gia vẫn có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về văn hóa đồ đồng và lịch sử Trung Quốc trong thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc.
*Theo Baidu
>> Phát hiện ‘nghĩa trang gia đình’ có niên đại 1.700 năm, chứa đầy cổ vật quý