Điểm đến

'Thánh địa du lịch' miền Trung Việt Nam sẽ có cảng hàng không, sân bay, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Hải Yến 09/01/2024 14:28

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh miền Trung này phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

Trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Với gần 130km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển, trong đó Khu kinh tế gắn với Cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí - luyện kim và trung tâm logistics lớn.

Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, một trong những trung tâm công nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với quy mô nền kinh tế (GRDP) đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, cao gấp khoảng 2 lần năm 2010.

Ngày 24/12/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ công bố Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Khởi công Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.

Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước

Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước

Theo Quy hoạch, tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột “kinh tế -xã hội - môi trường”, đặt “doanh nghiệp và con người là trung tâm và là động lực chính của sự phát triển” và xem “đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng góp phần quan trọng trong việc nâng cao và đảm bảo chất lượng lao động cho nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài”.

Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch; phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh,… đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo.

Mục tiêu trọng tâm là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của tỉnh Quảng Ngãi là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển (ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông…). Trong đó, Quảng Ngãi sẽ phát triển 10 khu công nghiệp với tổng diện 6.648ha, trong đó diện tích đất KCN đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ là 3.157ha; phần diện tích còn lại đang được điều chỉnh, bổ sung.

Về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, đầu tư xây dựng Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum nhằm tăng tính kết nối giữa tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Quảng Nam (CT22) trong kỳ Quy hoạch 2021-2030 khi tỉnh huy động đủ nguồn lực thực hiện.

Đề xuất xây dựng Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum

Đề xuất xây dựng Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum

Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng mới tuyến đường sắt đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất nhằm định hướng kết nối với tỉnh Quảng Nam. Nghiên cứu phát triển cảng hàng không, sân bay tại vị trí có tiềm năng là huyện đảo Lý Sơn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng cấp, cải tạo, khai thác hiệu quả các hạ tầng hàng hải công cộng đã có; nghiên cứu đầu tư xây dựng các trạm quản lý luồng hàng hải tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn và các địa phương khác có tiềm năng, phù hợp với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân.

Hình thành các bến (hàng hóa, hành khách), cảng sông theo các khu du lịch, khu - cụm công nghiệp, các dự án thu hút đầu tư và nhu cầu phát triển thực tế của địa phương, phát huy tối đa các tiềm năng kinh tế trên các vùng lãnh thổ.

"Thánh địa du lịch" miền Trung Việt Nam với đường bờ biển dài 130km

Khi nhắc đến du lịch Quảng Ngãi, nhiều người sẽ không hình dung được nhiều địa điểm nổi tiếng hay vẻ đẹp gì của vùng đất này. Thế nhưng, xứ sở miền Trung này cũng sở hữu vô vàn những cảnh đẹp thiên nhiên với những địa điểm vô cùng thú vị. Đến đây, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những nét đẹp bình dị, đơn điệu nhưng làm nên sức quyến rũ lạ thường.

Quảng Ngãi được ví như

Quảng Ngãi được ví như "thánh địa du lịch" của miền Trung

Từ tháng 4 đến hết tháng 8 được coi là mùa du lịch ở Quảng Ngãi bởi lúc này không khí trong lành, có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi, tránh được những bất lợi của thời tiết. Tuy nhiên, nắng nóng là điều không thể tránh khi vào hè đặc biệt nếu du khách lựa chọn tắm biển hay hoạt động ngoài trời.

Các điểm du lịch ở Quảng Ngãi trải dài toàn tỉnh, nên du khách cần lựa chọn khu vực để lưu trú và điểm tham quan phù hợp nhu cầu, đặc biệt khi không có nhiều thời gian.

1. Thành phố Quảng Ngãi

Thành phố Quảng Ngãi

Thành phố Quảng Ngãi

Thành phố Quảng Ngãi có diện tích 160km2, với sông Trà Khúc chảy giữa lòng thành phố. Đến đây du khách có thể tản bộ hai bên bờ sông, ngắm những bãi bồi trồng hoa màu và dưa xanh vào bình minh và hoàng hôn. Cuối sông Trà Khúc là cầu Cổ Lũy, cầu đẹp nhất tỉnh, nơi bạn có thể ngắm nhìn những cồn cát và cửa biển cùng tên với Cửa Đại của tỉnh Quảng Nam. Nội ô thành phố Quảng Ngãi là đô thị loại 2, không có nhiều địa điểm thăm thú, nhưng là nơi xuất phát tới những khu du lịch khách trong thành phố như núi Thiên Ấn, khu chứng tích Sơn Mỹ, rừng dừa nước Tịnh Khê, bãi biển Mỹ Khê...

2. Đảo Lý Sơn

Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, có diện tích tự nhiên 10,39km2, dân số hơn 22.000 người. Lý Sơn được ví như hòn ngọc giữa biển. Năm 2019, hòn đảo được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 10 nơi có bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Đặc biệt, Lý Sơn còn được biết đến là "Vương quốc tỏi".

Huyện đảo Lý Sơn

Huyện đảo Lý Sơn

Lý Sơn có hai miệng núi lửa là Giếng Tiền và Thới Lới, hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa, gồm 6 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh, 2 di chỉ khảo cổ. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý, hội tụ và kết tinh từ 3 nền văn hóa cổ là văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Việt cổ. Trên đảo còn có nhiều lễ hội truyền thống, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và lễ hội đua thuyền tứ linh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là nơi lưu giữ tài liệu, bằng chứng lịch sử xác lập cột mốc và chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

3. Bãi biển Mỹ Khê

Biển Mỹ Khê

Biển Mỹ Khê

Bãi biển Mỹ Khê nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 15km, là một trong những bãi biển nổi tiếng và đẹp nhất của tỉnh. Taxi từ trung tâm thành phố tới Mỹ Khê hết khoảng 200.000 đồng. Du khách cũng có thể sử dụng tuyến buýt 03. Bãi biển Mỹ Khê gần cảng Sa Kỳ (khoảng 10km) nên du khách có thể kết hợp ở một đêm tại bãi Mỹ Khê trước khi ra chơi ở đảo Lý Sơn. Một số cơ sở lưu trú nổi bật ở đây: Khách sạn Mỹ Khê, Châu Ngọc Viên Hotel hoặc các homestay như Nhà Mình, Làng Biển...

4. Bãi dừa Tư Nghĩa

Bãi dừa Tư Nghĩa

Bãi dừa Tư Nghĩa

Ở bãi dừa Tư Nghĩa nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km, có khoảng 200 cây. Tại đây, bạn sẽ được tận hưởng không gian xanh mát, uống những trái dừa tươi ngọt hái ngay từ trên cây. Tại khu du lịch Bãi Dừa Tư Nghĩa có những nhà hàng nổi trên mặt nước phục vụ nhiều món ăn ngon thuộc phong cách ẩm thực làng quê. Đây không chỉ vừa là địa điểm du lịch, mà còn là "hàng rào" bảo vệ dân làng bình yên mỗi khi mùa mưa bão đến.

5. Khu chứng tích Sơn Mỹ

Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ nằm ở huyện Sơn Tịnh, cách thành phố Quảng Ngãi 13km về phía đông bắc. Đây là nơi ghi lại tội ác của giặc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt được quân Mỹ thực hiện, đánh vào người dân Sơn Mỹ. 504 người đã chết, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 24 gia đình, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược.

Khu chứng tích Sơn Mỹ

Khu chứng tích Sơn Mỹ

Khu chứng tích Sơn Mỹ rộng 2,4ha, cạnh tỉnh lộ 24B gồm các di tích gốc đã được bảo tồn tôn tạo và các công trình sau này mới được xây dựng như: nhà trưng bày bổ sung, nơi tiếp khách, tượng đài, tượng vườn. Bên ngoài khuôn viên chứng tích là những tấm bia dựng ở điểm đã xảy ra các cuộc bắn giết.

>> Về một tỉnh miền Trung khám phá cánh đồng hoa hướng dương lớn nhất Việt Nam với hàng triệu bông trải rộng đến tận chân trời

Tỉnh miền Trung dành hàng trăm ha 'đất vàng' cho khoa học: Định hướng tỉnh lỵ ven biển trở thành thành phố khoa học, giáo dục đặc trưng của cả nước

Tỉnh miền Trung có cánh đồng điện gió đầu tiên của Đông Nam Á sẽ trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển vào năm 2030

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thanh-dia-du-lich-mien-trung-viet-nam-se-co-cang-hang-khong-san-bay-phan-dau-tro-thanh-tinh-phat-trien-kha-cua-ca-nuoc-d114423.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Thánh địa du lịch' miền Trung Việt Nam sẽ có cảng hàng không, sân bay, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH