Thành phố trẻ nhất Việt Nam, có kinh tế phát triển như 'vũ bão'

29-01-2024 07:31|Mai Chi

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố này những năm qua đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng đứng đầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa ký Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 26/1/2024 phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Tân Uyên đến năm 2040.

Thành phố Tân Uyên được thành lập ngày 13/02/2023 theo Nghị Quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV với 12 đơn vị hành chính, gồm 10 phường và 02 xã, tổng diện tích tự nhiên gần 19.200ha, dự kiến dân số khoảng 850.000 người.

Thành phố trẻ nhất Việt Nam, có kinh tế phát triển như 'vũ bão'
Quy hoạch của thành phố Tân Uyên

>> Một bán đảo là nơi duy nhất ở nội thành còn quỹ đất lớn, TP. HCM muốn phát triển thành ‘đô thị tuyệt vời’

Theo quy hoạch được duyệt, đô thị Tân Uyên tiếp tục phát triển theo mô hình đa cực với trung tâm là phường Uyên Hưng hiện hữu; hướng Đông Bắc phát triển khu đô thị công nghiệp trên cơ sở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng kết nối với Khu công nghiệp VSIP III; khu vực phía Đông Nam hình thành khu đô thị cảng trên cơ sở phát triển cảng Thạnh Phước kết nối với cảng Thái Hòa; khu vực phía Tây Nam cải tạo chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu và khu vực dọc 2 bên tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh. Trong đó, ưu tiên phát triển dọc trục chính đô thị theo các tuyến đường ĐT.746, ĐT.742; khu vực phía Tây Bắc giữ nguyên khu công nghiệp VSIP II và phát triển đô thị mới dọc theo vành đai 4 và đường ĐT.742; hai xã Thạnh Hội và Bạch Đằng phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái, phát triển cảng dọc sông Đồng Nai.

Quy hoạch cũng định hướng, TP. Tân Uyên có 6 khu đô thị, trong đó khu đô thị trung tâm hành chính - dịch vụ rộng hơn 1.990ha (vùng lõi trung tâm khoảng 390ha) gồm một phần phường Uyên Hưng và Khánh Bình. Khu đô thị này lấy trung tâm thành phố Tân Uyên làm hạt nhân phát triển lan tỏa thông qua các tuyến giao thông chính đô thị. Từ đó phát triển dịch vụ - thương mại, tài chính - ngân hàng, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí. Đồng thời chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và phát triển các khu đô thị mới. Khu vực còn lại phát triển nhà ở mật độ thấp, khai thác vùng cảnh quan ven suối và dọc sông Đồng Nai.

Bên cạnh đó, Tân Uyên cũng quy hoạch khu đô thị cảng - dịch vụ logistic với diện tích khoảng 2.286ha tại phường Thạnh Phước và một phần phường Thái Hòa, Khánh Bình. Chức năng khu đô thị cảng và logistics phục vụ cho các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương và các vùng lân cận. Đặc biệt, khu vực lõi đô thị 330ha đầu tư cảng Thạnh Phước, cảng Thái Hòa và phát triển các dịch vụ thương mại cấp khu vực, dịch vụ logistics; Phát triển các loại hình ở mật độ thấp kết hợp công viên cây xanh dọc sông Đồng Nai và suối Cái.

Khu đô thị số 3 là khu đô thị dịch vụ tích hợp đa chức năng rộng gần 5.300ha tại phường Tân Hiệp, Khánh Bình và một phần phường Vĩnh Tân. Chức năng là đô thị dịch vụ - thương mại - văn hóa - vui chơi giải trí với khu đô thị lõi phát triển trung tâm dịch vụ, thương mại cấp vùng và các khu hỗn hợp cao tầng kết hợp với công viên văn hóa, thể dục thể thao; Phát triển các khu đô thị mới hiện đại dọc theo các trục chính đô thị phục vụ cho khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Nam Tân Uyên mở rộng; Bảo vệ vùng cảnh quan ven suối thông qua các mô hình nhà ở sinh thái.

Khu đô thị tiếp theo được Tân Uyên quy hoạch khu đô thị dịch vụ thương mại có diện tích khoảng 2.455ha tại một phần phường Vĩnh Tân. Đây là đô thị dịch vụ - thương mại hỗ trợ cho các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó là khu đô thị - công nghiệp công nghệ cao tại một phần phía Bắc phường Uyên Hưng và một phần phường Hội Nghĩa có diện tích rộng 2.680ha (vùng lõi trung tâm khoảng 130ha). Khu vực lõi đô thị được đầu tư hoàn chỉnh các khu công nghiệp hiện có; phát triển công nghiệp mới kết nối Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng và Khu công nghiệp VSIP III, hình thành khu đô thị công nghiệp và dịch vụ logitics; phát triển các khu đô thị mới xung quanh khu công nghiệp dọc đường Vành đai 4; phát triển trung tâm mới phường Hội Nghĩa và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cho khu vực.

Khu đô thị số 6 là khu đô thị mới kết hợp đầu mối giao thông vùng tại phường Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp và Tân Phước Khánh có tổng diện tích khoảng 2.967ha. Trong đó, vùng lõi trung tâm rộng 490ha, đầu tư xây dựng ga Phú Chánh kết hợp với các chức năng dịch vụ đầu mối cấp vùng nhằm tạo ra hiệu ứng phát triển đô thị cho không gian xung quanh; Phát triển khu đô thị mới gắn với các loại hình dịch vụ thương mại kết nối với dịch vụ logistic, dịch vụ kho bãi, vận chuyển khu vực nhà ga; Phát triển các khu vực phát triển đô thị mới dọc theo các tuyến ĐT.746 và ĐT.742. Khu vực còn lại tiếp tục duy trì Cụm công nghiệp Phú Chánh và phát triển khu vực ga Phú Chánh kết hợp dịch vụ kết hợp phát triển nhà ở mật độ thấp, khai thác cảnh quan ven suối Cái.

>> Lộ vị trí quy hoạch thêm sân bay tại Sơn La, du khách đến Mộc Châu hưởng lợi lớn

Thành phố trẻ nhất Việt Nam, có kinh tế phát triển như 'vũ bão'
Thành phố Tân Uyên

Tân Uyên là thành phố thứ 4 của tỉnh Bình Dương, sau các thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An. Với vị trí địa lý đặc biệt, TP. Tân Uyên là địa bàn quan trọng của tỉnh Bình Dương về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP. Tân Uyên những năm qua đạt khoảng 12,57%/năm.

Theo số liệu, chưa hết năm 2023 nhưng thành phố thực hiện vượt 23/23 chỉ tiêu đề ra trong năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với tỷ trọng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp lần lượt là 62,30%-36,61%-1,09%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước thực hiện tăng 13,14% so với năm 2022. Giá trị thương mại - dịch vụ ước thực hiện tăng 23,27%. Ước đến ngày 31/1/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 99% kế hoạch.

Đặc biệt Tân Uyên hiện có hai dự án Khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước là Khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045ha và Khu công nghiệp VSIP III hơn 1.000ha, với tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng.

>> Lạng Sơn đề xuất kế hoạch thực hiện 22 dự án điện gió triệu đô

Thành phố có tên dài nhất Việt Nam sẽ là 'đô thị cân bằng độc đáo'

Thành phố đáng sống nhất Việt Nam sắp có nhà máy linh kiện máy bay 20 triệu USD

Sân bay quốc tế hơn 16.000 tỷ đồng duy nhất nằm trên thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thanh-pho-tre-nhat-viet-nam-co-kinh-te-phat-trien-nhu-vu-bao-221575.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thành phố trẻ nhất Việt Nam, có kinh tế phát triển như 'vũ bão'
POWERED BY ONECMS & INTECH