Đây là thành phố duy nhất của nước ta có vườn quốc gia và 2 huyện đảo.
Thành phố duy nhất có vườn quốc gia và 2 huyện đảo
Theo Atlas địa lý Việt Nam, Hải Phòng là thành phố duy nhất ở nước ta có 2 huyện đảo trực thuộc gồm huyện đảo Cát Hải và huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Hải Phòng được biết đến với biệt danh thành phố hoa phượng đỏ. Phượng vĩ là loài hoa mang tính biểu tượng của thành phố này.
Theo sách giáo khoa Địa lý lớp 12, có diện tích tự nhiên 1.507,57km2, Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 cả nước và cũng là thành phố cảng lớn nhất Việt Nam, xếp sau thủ đô Hà Nội và TP. HCM. Tính đến hết năm 2023, dân số trung bình của Hải Phòng là 2.130.898 người, cũng thuộc nhóm các thành phố đông dân nhất Việt Nam.
Theo các tư liệu lịch sử, vùng đất Hải Phòng ngày nay được khai khẩn bởi nữ tướng Lê Chân. Bà vốn là nữ tướng của Hai Bà Trưng, từng góp công lớn đánh đuổi quân Hán xâm lược nước ta.
Theo "Lịch triều hiến chương loại chí", làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay thuộc huyện Kiến Thụy) của thành phố Hải Phòng là quê hương của thái tổ Mạc Đăng Dung. Ông là người đã khai lập triều Mạc, tồn tại trong thế kỷ 16, 17.
Năm 1529, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con trai cả là Mạc Đăng Doanh để về quê hương làm thái thượng hoàng. Ông cho xây dựng tại đây một kinh đô thứ hai là Dương Kinh, tồn tại song song với kinh thành Thăng Long.
Theo "Khâm Định Việt sử thông giám Cương mục", huyện Vĩnh Bảo của thành phố Hải Phòng là quê hương của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - người giỏi lý số nhất trong lịch sử nước ta.
Thành phố Hải Phòng có vườn quốc gia Cát Bà ở huyện Cát Hải. Đây là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố, ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hải Phòng. Đây là một trong những thành phố ra đời sớm nhất ở nước ta.
Sẽ bảo tồn 223 công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu
Ngày 20/3, Sở Xây dựng TP. Hải Phòng cho biết đã có văn bản đề nghị UBND thành phố xem xét quyết định giữ lại 223 công trình kiến trúc, nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hoá lịch sử vào danh sách bảo tồn, loại bỏ 242 công trình khác ra khỏi diện giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo.
Trong số 223 công trình kiến trúc, nhà ở có giá trị kiến trúc cao, có ý nghĩa lịch sử cần bảo tồn và phát huy, có 12 công trình kiến trúc cấp 1, 68 công trình kiến trúc cấp 2, 137 công trình kiến trúc cấp 3 và 6 công trình kiến trúc được quản lý theo chuyên ngành đặc thù.
Công trình kiến trúc cấp 1 là các công trình kiến trúc đáp ứng được cả 2 tiêu chí tiêu biểu về giá trị nghệ thuật; nét riêng, độc đáo di sản kiến trúc Pháp, mang đậm phong cách châu Âu, được quy hoạch theo quy hoạch phương Tây cũng như tiêu biểu về giá trị lịch sử, văn hoá, gắn với quá trình đô thị hoá Hải Phòng đầu thế kỷ 20. Những công trình kiến trúc này được thiết kế, xây dựng kỹ, gọn gàng, đẹp đẽ, được xây dựng ở những vị trí tạo điểm nhấn, tạo nét hài hoà cho đô thị Hải Phòng cần được giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ.
Các công trình kiến trúc cấp 1 gồm trụ sở UBND TP. Hải Phòng (các toà nhà A, nhà B), trụ sở Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hải Phòng, trụ sở Ngân hàng Công thương - Chi nhánh Hải Phòng, Nhà bát mái (vườn hoa Nguyễn Du), trụ sở TAND quận Ngô Quyền, Khu nhà A Trường PTTH Ngô Quyền, Đài thiên văn Phù Liễn, Đèn biển Hòn Dấu và Mốc toạ độ quốc gia, Lâu đài Vạn Hoa, Biệt thự Bảo Đại và Đèn biển Long Châu.
Hải Phòng cũng có 68 công trình kiến trúc cấp 2, những công trình tiêu biểu cho kiến trúc Pháp, một số công trình có hoạ tiết trang trí phong cách pha trộn phương Đông, tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử, có niên đại trên dưới 100 năm như các công trình khách sạn Manoir Des Arts (khách sạn Hồng Bàng), Trường THCS Hồng Bàng, trụ sở các sở Kế hoạch & Đầu tư, Ngoại vụ, Thành Đoàn, Liên đoàn lao động thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế, loạt biệt thự Hải Âu 1, 2, 3, 4, biệt thự Hoa Sữa, biệt thự Trúc Vàng, Nhà khách số 9…
Đối với 137 công trình kiến trúc cấp 3, những công trình chưa hội tụ đủ cả 2 yếu tố tiêu biểu về kiến trúc, giá trị văn hoá, lịch sử nhưng là những công trình hoặc có kiến trúc tiêu biểu hoặc có giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu cũng cần được gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo. Những công trình kiến trúc này đến nay còn tương đối nguyên vẹn là bằng chứng sự giao thoa giữa văn hoá phương Đông với phương Tây, có giá trị gắn kết giữa kiến cấu trúc đô thị, định hình thái các tuyến phố, tạo sức hấp dẫn về cảnh quan, văn hoá đô thị, là tài sản xã hội quan trọng.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng có 6 công trình kiến trúc đặc thù gồm quần thể Nhà hát lớn và cụm Tháp nước cổ, Bưu điện Hải Phòng, Ga Hải Phòng, Nhà biệt thự của nhà tư sản kỹ nghệ Nguyễn Sơn Hà (nguyên đại biểu quốc hội khoá I, II, III, IV, V), Nhà biệt thự - Nhà khách Bộ tư lệnh Hải quân, Trụ sở Nhà máy X46 Hải Quân cần được gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ. Đây là những công trình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, di tích lịch sử cấp thành phố, công trình quốc phòng được quản lý theo Luật Di sản văn hoá, công trình an ninh quốc phòng.
Các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật kiến trúc, văn hoá, lịch sử cần được giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ đều nằm ở khu vực đô thị Hải Phòng, chủ yếu tại các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, các khu phố do người Pháp xây dựng có thể trở thành quỹ di sản đô thị Hải Phòng. Các công trình này đang được sử dụng làm trụ sở các cơ quan, chính quyền địa phương, sau này có thể khai thác phát triển du lịch, văn hoá.